


Có thể nói đây là một vụ việc liên quan đến hàng giả với mức độ nguy cơ và tác hại rất lớn. Trước hết, bản thân sản phẩm sữa giả không đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Khi trẻ em, người già hay các đối tượng khác sử dụng, hậu quả đầu tiên là bị thiếu hụt các chất thiết yếu.
Thứ hai, loại sữa này có khả năng bị ô nhiễm bởi các chất độc, vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Điều này dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mạn tính, cũng như các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Hai yếu tố này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Điểm thứ ba, loại sữa này không phải mới xuất hiện một, hai bữa mà đã được sử dụng trong vòng bốn năm qua. Điều đó có nghĩa là, rất nhiều trẻ em có thể bị còi xương, thiếu dinh dưỡng với nguyên nhân bắt nguồn từ chính loại sữa này mà phụ huynh không hề nhận ra. Người già thì vẫn tin rằng sữa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng thực tế là không giúp họ hồi phục sức khỏe như mong muốn.

Thứ tư, việc sử dụng mặt hàng sữa giả này này dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, não bộ và thể chất toàn diện của trẻ em cũng như khả năng hồi phục của người cao tuổi.
Phạm vi ảnh hưởng của vụ việc này rất lớn, lan rộng trên toàn quốc. Do bản chất là sữa – một sản phẩm được tin tưởng sử dụng cho cả trẻ nhỏ và người già – nên hậu quả lại càng nặng nề hơn.
Chính vì vậy, có thể khẳng định đây là một vụ hàng giả có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Theo tôi, hiện nay cần có một cuộc thống kê chính xác về số lượng người đã sử dụng loại sữa này và từ thời điểm nào. Đồng thời, cần tiến hành kiểm nghiệm kỹ lưỡng các chỉ số như hàm lượng chất đạm, glucid, protid, vitamin và khoáng chất trong loại sữa này.

Chúng ta biết rằng hàng giả thường hình thành theo một công thức: Cơ hội + Động cơ - Biện pháp = Hàng giả.
Trường hợp của công ty này cũng không nằm ngoài quy luật đó. Họ có trình độ, và đã biết cách lợi dụng những yếu tố này để sản xuất hàng giả.
Về cơ hội, chính là sự lơi lỏng trong công tác quản lý. Ngay từ đầu, họ đã nhận ra rằng hệ thống giám sát về sữa nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung hiện nay đang rất lỏng lẻo. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm còn nhiều điểm bất cập, trong khi lực lượng quản lý lại yếu và thiếu. Các đối tượng nắm bắt được điều này, từ đó mới có điều kiện để tập trung làm giả một cách tinh vi và quy mô.
Về động cơ, rõ ràng là vì tiền và lợi nhuận. Sữa là mặt hàng có giá trị cao, phổ biến rộng rãi trong xã hội, đặc biệt với trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Thực tế cho thấy, nhiều người khi có cha mẹ già yếu đều cố gắng mua vài hộp sữa để bồi dưỡng sức khỏe. Làm giả sữa mang lại lợi nhuận rất lớn, trong khi chi phí bỏ ra lại thấp, chính vì vậy, đây là thị trường màu mỡ mà các đối tượng dễ dàng lợi dụng.
Khi cộng hai yếu tố cơ hội và động cơ, rồi trừ đi biện pháp kiểm soát – mà hiện tại các biện pháp này đang quá yếu – thì kết quả tất yếu là hàng giả xuất hiện. Lợi dụng những lỗ hổng trên, đường dây làm giả sản lượng sữa rất lớn suốt 4 năm và lưu thông trên khắp cả nước.

Có thể khẳng định rằng, việc để lọt lưới hoạt động sản xuất hàng giả này cho thấy có rất nhiều lỗ hổng trong toàn bộ chuỗi kiểm soát – từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho tới khâu lưu thông trên thị trường.

Thứ nhất là lỗ hổng trong kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Về nguyên tắc, tất cả nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thực phẩm – đặc biệt là sữa bột – đều phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra này đã không được thực hiện nghiêm túc. Lẽ ra với một công ty đã hoạt động 4-5 năm, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra định kỳ, yêu cầu xuất trình chứng từ nguồn gốc nguyên liệu, kiểm nghiệm chất lượng trước khi đưa vào sản xuất.
Thứ hai là lỗ hổng trong giám sát quy trình chế biến. Nếu doanh nghiệp khai báo có nhà máy sản xuất đáp ứng các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt), cơ quan chức năng phải trực tiếp kiểm tra tại cơ sở. Bởi lẽ, một cơ sở áp dụng GMP sẽ có quy trình sản xuất rõ ràng, có ghi chép, có kiểm soát từng công đoạn. Nếu có mặt trực tiếp tại nhà máy, chỉ cần kiểm tra hồ sơ sản xuất là có thể phát hiện ngay dấu hiệu bất thường.
Trong quá trình công tác và theo dõi thực tế, tôi nhận thấy một đặc điểm thường gặp là các nhà máy sản xuất hàng giả thường được đặt ở khu vực ngoại ô. Ví dụ cụ thể như trường hợp này là ở vùng Phú Lương, Hà Đông. Chính vì đặt ở những nơi như vậy mà họ dễ dàng che mắt được cơ quan quản lý – đó là một sự tinh vi đặc trưng của các đối tượng làm hàng giả. Do đó, nếu xác định được nhà máy đặt ở đâu, ta cần phải có tư duy quản lý để đặt câu hỏi ngay từ đầu.
Thứ ba là lỗ hổng ở khâu hậu kiểm – kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường. Nếu có phản ánh từ người tiêu dùng về việc sử dụng sữa nhưng không thấy hiệu quả: Trẻ em không tăng cân, thậm chí gầy đi; Người già không cải thiện sức khỏe như mong muốn, thì cơ quan quản lý cần tiếp nhận, xử lý và tổ chức lấy mẫu sản phẩm đang lưu hành để kiểm nghiệm. Từ kết quả đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể truy ngược trở lại nơi sản xuất và phát hiện sai phạm.



Theo quan điểm của tôi, thực trạng về an toàn thực phẩm hiện nay, với liên tiếp những vụ ngộ độc, hay vụ kẹo rau Kera và đường dây sữa giả này đã cho thấy Luật An toàn thực phẩm hiện hành và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa đủ khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả. Trước hết, cần mạnh dạn xây dựng và ban hành một Luật An toàn thực phẩm hoàn toàn mới, mang tính hệ thống, khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Chúng ta đều thấy rõ xu hướng đổi mới hiện nay, thể hiện qua định hướng của Tổng Bí thư và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Luật An toàn thực phẩm mới phải bao quát toàn diện các vấn đề, bao gồm cả quy định về xử lý vi phạm hành chính, mức độ xử phạt – tương tự như hệ thống luật ở Mỹ, Nhật Bản hay các quốc gia tiên tiến khác. Từ luật đến nghị định hướng dẫn đã có độ vênh, rồi từ nghị định đến thông tư lại tiếp tục phát sinh khoảng cách. Vì vậy, việc thể hiện toàn bộ các nội dung trong một luật duy nhất là cần thiết để đảm bảo tính chuẩn xác và hiệu lực pháp lý cao.
Tiếp đến cần thiết phải ban hành hệ thống tiêu chuẩn một cách đầy đủ, đồng bộ và chính xác để làm nền tảng cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng. Việc quản lý và kiểm tra phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn – đây là nguyên lý căn bản. Tiêu chuẩn còn có vai trò cực kỳ quan trọng, là căn cứ xác định chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm; Là nền tảng để nhà sản xuất dựa vào đó tiến hành sản xuất một cách đúng đắn; Là căn cứ để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác.
Phải rà soát và phân công lại trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm một cách hợp lý và khoa học, theo đúng bản chất của chuỗi thực phẩm. Khi sản phẩm chưa thành thực phẩm, tức còn ở dạng nguyên liệu, thì các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp hay Bộ Công thương có thể chịu trách nhiệm – cụ thể là quản lý việc sản xuất, chế biến trong nhà máy. Nhưng một khi sản phẩm đã trở thành thực phẩm – nghĩa là sẵn sàng tiêu thụ, sử dụng vào cơ thể con người – thì trách nhiệm quản lý phải thuộc về Bộ Y tế. Bởi Bộ Y tế là cơ quan duy nhất có chuyên môn về an toàn thực phẩm, có chức năng bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Một điểm nữa là cần thay đổi phương pháp tiếp cận trong công tác quản lý. Hiện nay, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, chúng ta chủ yếu kiểm tra theo hướng hậu kiểm – tức là khi thực phẩm đã lưu hành trên thị trường, mới tiến hành kiểm soát. Theo tôi, cần tiếp cận theo hướng “từ trang trại đến bàn ăn”, tức là từ nguyên liệu, quá trình nuôi trồng, chế biến cho đến khi sản phẩm được phân phối. Nếu làm tốt điều này, khả năng hàng giả và hàng kém chất lượng sẽ bị giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi phương pháp tiếp cận hiện đại phải dựa trên phân tích nguy cơ: Đâu là điểm rủi ro, đâu là lỗ hổng trong chuỗi sản xuất và lưu thông thực phẩm – từ đó đưa ra biện pháp giám sát phù hợp. Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm của Mỹ được Tổng thống Obama ký ban hành, chính là dựa trên nền tảng phân tích và đánh giá nguy cơ như vậy.
Bên cạnh những gian dối trong sản xuất, một thủ đoạn khác của đường dây sữa giả 500 tỷ trên là thuê cá nhân uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng qua những thông tin sai sự thật, thổi phồng công dụng nhằm thu lợi bất chính. Tôi cho rằng, hoạt động phát ngôn và quảng cáo về thực phẩm chức năng cần được chuyên nghiệp hóa bằng cách yêu cầu bắt buộc có chứng chỉ đào tạo chuyên môn. Hiện nay, bất kỳ ai – đặc biệt là giới văn nghệ sĩ – cũng có thể phát biểu, quảng bá sản phẩm mà không cần qua bất kỳ quá trình đào tạo hay kiểm định nào. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng, khi những phát ngôn thiếu cơ sở chuyên môn lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã có tiền lệ tổ chức các khóa đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho đội ngũ tuyên truyền viên về thực phẩm chức năng. Chỉ khi đã hoàn thành chương trình học cơ bản, những cá nhân này mới được phép phát ngôn hoặc tham gia giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng. Mức xử phạt phải đủ sức răn đe – bao gồm cả phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết. Bởi những tác động tiêu cực từ việc quảng cáo sai lệch – đặc biệt là với các sản phẩm như sữa dành cho trẻ em – là vô cùng nghiêm trọng: Có thể gây suy dinh dưỡng, kém phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ nhỏ. Hậu quả này thường không được phát hiện kịp thời, vì chỉ có giới chuyên môn mới đủ khả năng nhận diện.
Nếu Nhà nước có thể xây dựng và ban hành luật đầy đủ, khoa học; Tổ chức hệ thống quản lý một cách bài bản; Và phân công trách nhiệm rõ ràng, đúng chuyên môn, thì chúng ta hoàn toàn có khả năng thiết lập được một cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với an toàn thực phẩm nói chung, cũng như thực phẩm chức năng nói riêng.


Bình luận của bạn