“Kìm kẹp” y tế tư nhân, bệnh nhân là người chịu thiệt

Bộ trưởng Bộ Y tế đã bước đầu vạch ra những giải pháp để mở cửa cho y tế tư nhân

Sẽ có 5 đoàn giám sát các cơ sở y tế tư nhân

BHYT đang "phân biệt đối xử" y tế tư nhân

Phối hợp giám sát cơ sở y tế tư nhân

Chuyển giao công nghệ cho cơ sở y tế tuyến tỉnh

Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc cấp chứng chỉ hành nghề về giấy phép hoạt động theo quy định của Luật khám chữa bệnh, tổ chức ngày 13/4 tại TP.HCM.

Bác sỹ hành nghề “chui” tại bệnh viện công!

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2012, Bộ đã xây dựng hệ thống dữ liệu về việc cấp chứng chỉ hành nghề để cập nhật và quản lý các vấn đề liên quan. Hiện, tất cả các bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, người hành nghề y tư nhân đang được các Sở Y tế đảm nhận việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động theo thẩm quyền. Trên thực tế, người hành nghề y tư nhân nếu không có chứng chỉ hành nghề đều bị xem là hoạt động phi pháp, hành nghề chui và bị pháp luật nghiêm cấm.

Sự phát triển không cân đối và thiếu lành mạnh giữa y tế công - tư khiến người bệnh chịu thiệt

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ chỉ ra, tại 36 bệnh viện và viện của nhà nước, đến nay tỷ lệ cấp chứng chỉ hành nghề mới đạt được 90%; Tỷ lệ cấp giấy phép hoạt động đạt 95%. Các bệnh viện trực thuộc bộ ngành, tỷ lệ cũng không đạt được 100%. Như vậy, nếu xét riêng tính công bằng về mặt pháp luật thì hiện tại có rất nhiều cán bộ, y bác sỹ cơ sở y tế trong hệ thống y tế công lập hành nghề trái pháp luật do chưa được cấp chứng chỉ hoặc chưa được cấp phép hoạt động.

Theo lý giải của Bộ Y tế, nguyên nhân của việc chậm cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động ở các cơ sở y tế nhà nước là do công tác chỉ đạo còn chậm. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh kết hợp quân - dân y, do việc quản lý chưa phân định rõ ràng nên cũng chưa thể cấp chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hoạt động. Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét việc cấp giấy phép hoạt động nên thực hiện định kỳ 5 năm 1 lần thay vì chỉ cấp một lần như đang thực hiện để quản lý tốt hơn về chất lượng.

Y tế tư phát triển sẽ tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phạm Thành Vận - Chủ tịch Hội Y tế tư nhân Việt Nam, đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm 1 lần của Bộ Y tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nhiêu khê cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế. “Để hoàn tất một bộ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có cả lý lịch tư pháp là vấn đề không hề đơn giản và sẽ sinh ra một bộ máy chỉ lo việc giấy tờ, trong khi nhiệm vụ chính của ngành y tế là khám chữa bệnh. Thay vì cấp chứng chỉ 5 năm 1 lần và làm cồng kềnh thêm nhân sự quản lý, Bộ Y tế cần xem xét tăng cường nhân lực hậu kiểm, xử lý nghiêm, rút chứng chỉ hành nghề đối với các cá nhân không tham gia đào tạo liên tục trong vòng 2 năm theo đúng quy định”.

Sẽ “mở cửa” cho y tế tư nhân

Không chỉ nêu ra vấn đề ngành y tế đang có hành động “bao che” cho hệ thống y tế công, nhiều đại biểu còn chỉ ra cảnh khốn đốn của y tế tư nhân. Đến nay, một bộ phận rất lớn các lương y hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền (theo hình thức cha truyền con nối) vẫn chưa được hướng dẫn về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề; Những bác sỹ theo y học hiện đại thì bị hành lên hành xuống khi xin cấp chứng chỉ; Hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành y tế 100% là cơ sở của nhà nước; Các phòng mạch khám chữa bệnh vô tư bán thuốc (thuốc không nhãn mác, thuốc giả, đánh tráo cả thực phẩm chức năng).

Ông Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM còn chỉ ra, hiện tại bác sỹ lĩnh vực y tế dự phòng không có chức năng khám chữa bệnh nên không được cấp chứng chỉ hành nghề song vẫn được thừa nhận hoạt động, đó là điều bất hợp pháp. Việc liên kết công – tư mới chỉ dừng lại ở liên kết với các bệnh viện tư, chưa liên kết với các cơ sở y tế tư nhân; 82,5% Sở Y tế trên toàn quốc thiếu nhân lực quản lý. Bên cạnh đó là sự đùn đẩy trách nhiệm của các đơn vị quản lý khi xảy ra những bê bối liên quan đến hành nghề y tư nhân.

Trước các vấn đề được đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp thu ý kiến đóng góp, đồng thời thừa nhận: “Có cái gì đó vẫn chưa thực sự công bằng giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước”. Bộ trưởng cho biết: Trước mắt, Bộ sẽ đề nghị các Sở Y tế đơn giản hóa thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, giảm phiền hà cho y tế tư nhân và tìm hiểu những vấn đề chưa công khai, minh bạch để có hướng xử lý phù hợp. Bộ sẽ ban hành chính sách để bệnh viện tư nhân tham gia vào hệ thống bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh và tham gia vào đề án chuyển giao chuyên môn kỹ thuật (đề án 1816).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu để có thông tư hướng dẫn cho cả y tế nhà nước và y tế tư nhân trong việc giải quyết các trường hợp tai biến y khoa nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh và bảo vệ y bác sỹ trong quá trình hành nghề. Bộ cũng đã yêu cầu các Sở Y tế và cấp thẩm quyền liên quan, hoàn tất việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người đủ điều kiện từ nay đến hết ngày 31/12/2015.

Kết luận buổi làm việc, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và thành quả ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua nhằm, lặp lại trật tự trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước những vấn đề hạn chế đã được các đại biểu nêu, bà Trương Thị Mai đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất phương án sửa đổi những vướng mắc, sớm có biện pháp khắc phục. Bà Mai bày tỏ sự tin tưởng, nếu lĩnh vực y tế tư nhân được đối xử một cách bình đẳng sẽ tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành y tế nói chung theo đó y tế tư nhân sẽ đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý