Chuyện không muốn nói ngày tết nhưng vẫn cứ phải nói

Chuyện không muốn nói ngày tết nhưng vẫn cứ phải nói

Những thực phẩm Tết dễ gây ngộ độc

Ăn Tết thả phanh dáng vẫn thon gọn

​Tết ấm cúng khắp các nhà giàn DK

Tôi lấy chồng vì lỡ thì, được bạn bè mai mối nên nhanh chóng gật đầu chấp nhận. Ai ngờ, lấy xong rồi, tôi mới tá hỏa vì mình chưa kịp tìm hiểu kĩ. Chồng tôi tuy hiền lành, chân chất nhưng lại là cháu đích tôn một dòng họ lớn ở Thái Bình, phải chịu mọi trách nhiệm cúng giỗ trong nhà. Mỗi lần nhà có giỗ chạp hay lễ Tết, tôi lại khăn gói quả mướp theo chồng về “chinh chiến”.

Giỗ cụ thì cũng chỉ một ngày, tôi chỉ sợ nhất là dịp Tết kéo dài cả nửa tháng. Cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, thu nhập tuy khá nhưng sống trên thủ đô đắt đỏ, phải biết tiết kiệm. Tôi nhanh nhẹn đi buôn bán kiếm thêm, cũng được đồng ra đồng vào. Nếu khéo thu vén thì đến lúc có con cái cũng đỡ vất vả. Nhưng nào có để ra được, khi mà việc gì, nhà chồng cũng gọi đến “anh trưởng họ” – tức chồng tôi đây.

Những việc éo le, oái oăm như một ngày đẹp trời, ông chú/ bà thím xa xôi nào đó gọi điện nhờ mua thức này thứ kia mà “quên” trả tiền, là quá bình thường, đến mức tôi đã quen chả buồn nhắc đến. Thậm chí, bà chị họ của chồng muốn mua biếu nhà chồng chị bánh kẹo, cũng hỏi đến em trai. Nhưng những điều đó chẳng thấm tháp gì so với khi Tết đến.

Năm nào cũng thế, chưa đến 23 tháng Chạp, mẹ chồng đã gọi điện từ quê lên nhắc chồng tôi: “Con nhớ mua cho anh A/chị B/cô C/ông bà xyz thứ này, thứ kia làm quà nhé. Họ chỉ mong tết nhà anh chị về thôi đấy”. Và ngạc nhiên làm sao, dù thứ đó có rẻ tiền hay đắt đỏ, chồng tôi đều gật đầu đáp ứng, hồ hởi “Mẹ yên tâm, đó là trách nhiệm của con mà. Làm cho họ mình mát mày mát mặt chứ”.

Hồi mới cưới, tôi cáu vô cùng. Có nhà ai một cái Tết hai vợ chồng, tiêu đến gần 30 triệu tiền quà cáp cho đằng nội, trong khi chỉ biếu nhà đẻ được 1 triệu tiền bánh kẹo? Bố mẹ tôi thương con gái nên không bao giờ nhờ vả gì, nhưng chẳng hiểu sao họ hàng bên nội tôi lại thích đòi hỏi đến thế. Tôi cãi nhau với chồng nhưng cuối cùng vẫn phải làm theo, chỉ vì lí do lấy “nhầm” người chồng có trách nhiệm với cả dòng họ.

Chưa kể, dù 27 công ty mới cho nghỉ lễ nhưng tôi phải xin nghỉ làm đến gần một tuần để về quê sớm chuẩn bị cùng họ hàng. Vác hàng thùng đồ trên tay đi hơn 100 cây số, về đến nhà, chưa kịp nghỉ ngơi, mấy cô em họ đã kéo đi… vặt lông gà. Dù nhà có hàng chục người ngồi chơi nhưng mẹ chồng vẫn bắt tôi phải làm, chỉ để cho họ hàng biết có “con dâu đảm đang”.

Thế là trong khi tôi tất bật không kịp thở, thì chồng tôi cùng cánh đàn ông ngồi rung đùi nói chuyện, đợi dọn cơm. Ăn uống xong tôi lại vội vàng rửa đến hàng trăm cái bát đĩa, xoong nồi… Ngày nào cũng như ngày nào, trong nhà luôn có khách, chồng tôi chỉ việc ăn, còn tôi hầu như không biết đến nghỉ ngơi là gì.

Ba năm cưới, chưa lúc nào tôi được thoải mái tận hưởng một cái Tết trọn vẹn theo ý mình. Lên các diễn đàn tâm sự, hóa ra cũng có nhiều chị em gặp phải hoàn cảnh tương tự. Tôi chỉ biết tự an ủi, rằng ít nhất đã quá tuổi “băm” vẫn có thể lấy được chồng. Nhưng sau này ai mà biết được, khi sự chịu đựng cũng có giới hạn của nó…

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trang chủ