Gà ủ muối hoa tiêu: Các món gà thông thường đã phải 'nhường chỗ' cho gà ủ muối hoa tiêu – công thức đứng đầu bảng Google Xu hướng 2022. Gà ủ muối có lớp da vàng óng cùng với hương vị thơm mùi thảo mộc dễ ăn, thịt dai ngọt đậm đà. Để làm gà ủ muối tại nhà, bạn nên chọn gà ta, bọc vào giấy bạc. Rải muối và các loại thảo mộc vào bên trong nồi, đặt gà vào để làm chín đều bằng hơi nóng của muối.
Thịt lợn gác bếp: Lợn khô gác bếp là đặc sản của nhiều tỉnh Tây Bắc. Món ăn độc đáo này bảo quản được lâu dài, là 'mồi nhậu' được cánh mày râu yêu thích. Cách làm thịt lợn gác bếp không phức tạp, nhưng cần kinh nghiệm và gia vị đặc trưng (mắc khén, hạt dổi) chỉ núi rừng Tây Bắc sở hữu.
Đậu sốt cà chua: Thật ngạc nhiên khi món ăn dân dã trong bữa cơm của người Việt lại có lượt tìm kiếm cao thứ ba trong danh sách công thức nấu ăn năm 2022. Đậu phụ là nguyên liệu rẻ nhưng có thể cung cấp kha khá chất đạm cho bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Whiskey & Booch)
Bim bim khoai tây: Trong cao điểm dịch do biến thể Omicron, có lẽ không ít gia đình đã tìm kiếm công thức làm bim bim khoai tây tại nhà. Tự làm bim bim khoai tây làm bằng nồi chiên không dầu cũng đảm bảo sức khoẻ hơn, khi bạn có thể kiểm soát lượng dầu mỡ. (Ảnh: Make Your Meals)
Tỏi xanh: Nhờ các nền tảng mạng xã hội toàn cầu, tỏi xanh – món ăn đặc sản ở miền Bắc Trung Quốc – tạo ra sự tò mò và thích thú của cộng đồng mạng. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định: Trong củ tỏi có tồn tại diệp lục tố mang tên chlorophyll dù không nhiều. Tỏi ngâm giấm đến một thời gian nhất định sẽ xuất hiện màu xanh. Chuyên gia khẳng định, màu xanh này không độc hại nhưng cũng không mang lại tác dụng nào khác cho con người. (Ảnh: Medium)
Nước chấm hải sản: Các nhà hàng đồ nướng nở rộ trở lại sau dịch COVID-19, người dân cũng có cơ hội đi du lịch trải nghiệm nhiều hơn. Muối ớt xanh Nha Trang là một trong những loại nước chấm hải sản 'thần thánh' nhận được nhiều lượt chia sẻ trên mạng. Cách làm cũng không cầu kỳ: Ớt xiêm xanh, đường, muối, sữa đặc, nước cốt chanh và lá chanh non được xay nhuyễn cùng nhau, cho ra hỗn hợp muối tròn vị, sánh đặc, phù hợp với tất cả các loại hải sản.
Mít sấy bằng nồi chiên không dầu: Chỉ với nồi chiên không dầu, các bà nội trợ đã sáng tạo ra nhiều công thức độc đáo như mít sấy ngay tại nhà. Tuy nhiên, quá trình làm hơi mất công, bởi chị em phải chỉnh nhiệt độ thấp nhất (khoảng 80 độ C), sấy mít khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Sữa chua Hy Lạp: Cùng với xu hướng eat clean và chăm sóc sức khỏe, ngày càng nhiều người yêu thích món sữa chua Hy Lạp giàu dinh dưỡng. Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein cao hơn, ít đường lactose và calorie hơn hẳn sữa chua thông thường. Vì thế, giá thành cũng đắt hơn và nhiều chị em đã lên mạng học cách tự làm sữa chua Hy Lạp tại nhà.
Yến chưng: Món yến chưng bổ dưỡng là lựa chọn hàng đầu trong các món ăn bồi bổ sau dịch COVID-19. Tổ yến được chưng cùng đường phèn, hạt sen, táo đỏ, thành món ăn ngọt mát. Tổ yến cũng là món quà sức khỏe cao cấp được nhiều người lựa chọn trong những năm gần đây. (Ảnh: Steamy Kitchen)
Bánh tráng phơi sương: Sau khi 'càn quét' nhiều sàn thương mại điện tử, bánh tráng phơi sương đã nhanh chóng lọt vào bảng xếp hạng của Google Xu hướng. Đây là món ăn vặt gồm bánh tráng phơi sương, tép mỡ, hành phi, muối tôm ăn cùng sốt bơ béo ngậy. Bánh tráng phơi sương vốn là đặc sản tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bánh dẻo và dai, có màu trắng đục, có thể ăn trực tiếp mà không cần nhúng nước hay nướng giòn.