19 quận, huyện "vùng xanh" ở Hà Nội sẽ không kiểm soát giấy đi đường

Các lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: Zing.

Hà Nội cho phép một số nơi mở bán hàng từ trưa 16/9

Số ca mắc COVID-19 giảm, Hà Nội xem xét nới lỏng một số dịch vụ sau ngày 15/9

Y tế tuần qua: Đón thêm vaccine, Hà Nội yêu cầu tiêm thần tốc

Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine diện rộng

Trước đó, Hà Nội đã có quyết định những địa bàn không phát sinh ca mắc COVID-19 ở cộng đồng kể từ 12h ngày 16/9 sẽ được phép mở lại một số hoạt động kinh doanh, trong đó có việc hàng quán ăn được bán mang về.

Các hoạt động được cho phép gồm: Kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/9 đến nay, có 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà, Tây Hồ.

Trao đổi với báo chí sáng 16/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, sau khi thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, việc kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân.

Theo đó, người dân khi di chuyển trong các khu vực "vùng xanh" gồm 19 quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng từ 6h ngày 6/9 đến nay sẽ không phải xuất trình giấy đi đường. Tuy nhiên, ở "vùng đỏ", người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi thật cần thiết và phải kiểm soát chặt, phải có giấy đi đường.

"Trong vùng xanh theo nguyên tắc được nới lỏng đi lại, còn trong trường hợp họ đi sang vùng đỏ, đi xuyên các vùng thì mới tiến hành kiểm soát việc đi đường", ông Sơn nói.

Về việc người dân từ "vùng xanh sang "vùng đỏ" hay từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh" sẽ thực hiện như thế nào? Và người dân ở vùng đỏ có được mua hàng bán mang về ở "vùng xanh" không? Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, người dân ở "vùng đỏ" đi xuyên vùng phải có giấy đi đường theo quy định.

"Nếu có giấy đi đường được cấp theo quy định thì có thể đi xuyên vùng, tuy nhiên, việc kiểm soát sẽ phải được thực hiện rất chặt chẽ. Ở đây, tùy thuộc vào tình hình mà các quận, huyện, thị xã sẽ có hướng dẫn cụ thể. Tinh thần chung là mở cửa thận trọng, từng bước, không nới đồng loạt. Quy định của Chính phủ đã có rất rõ ràng, vùng bình thường mới thì áp dụng Chỉ thị 15 hoặc 19. Còn nơi nguy cơ cao thì vẫn áp dụng Chỉ thị 16", ông Sơn cho biết thêm và nhấn mạnh mục tiêu cao nhất vẫn là an toàn.

Về câu hỏi, các chốt kiểm soát ở "vùng xanh" có cần phải duy trì nữa không, Phó chủ tịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ giảm dần các chốt kiểm soát ở những khu vực không cần thiết, mà chỉ kiểm soát ở các khu vực giáp ranh vùng. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch. 

Quan trọng nhất là việc kiểm soát đi lại giữa các vùng và đặc biệt, "vùng đỏ"vẫn phải duy trì giãn cách, kiểm soát chặt chẽ. Dự kiến trong ngày 16/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ họp và thảo luận chi tiết về các biện pháp nới lỏng sau ngày 15/9 và ngày 21/9.

Chính quyền Thủ đô áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Sau 2 lần ban hành văn bản tiếp tục ngày giãn cách xã hội (mỗi lần 15 ngày), hôm 6/9 thành phố chia 3 vùng chống dịch, trong đó vùng 1 tiếp tục giãn cách xã hội, gồm 10 quận, huyện; các địa bàn còn lại áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Tính cả đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận 3.857 ca, trong đó 1.596 ca ngoài cộng đồng và 2.261 ca là các trường hợp đã được cách ly.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin