3 lần phá sản để... thành công

Nữ CEO quyền lực nhất thế giới: Tôi thật sự muốn trao quyền cho nhân viên

CEO San Hà: Sợ nhất là chán công việc đang làm

CEO Nissan: Nên tạo liên minh chứ không phải sáp nhập

Nữ CEO Tập đoàn IPP: Muốn thành công phải biết... chia quyền

CEO AEONMALL Vietnam: Sự tử tế cũng là lợi điểm lớn!

Ông Đoan tâm sự, tôi đã nghĩ rất nhiều, tại sao mình làm gì cũng thất bại? Tôi thất bại là do khi ấy không đủ sức để quản lý công việc mình làm. Sau khi nhận ra điều này, nhiều năm sau đó tôi đã tìm các loại sách kinh tế, sách về quản lý, đào tạo nhân lực và đọc rất nhiều. Tôi dành tất cả thời gian có thể được cho việc ấy và càng thấy sự thất bại trước đây của mình là không thể tránh khỏi.

 

 

Bài học từ những lần tay trắng

- Câu nói "thất bại là mẹ thành công" thật đúng với ông ?

(Cười). Không phải tự PR nhưng tôi nghĩ điều này chỉ đúng với những người có nghị lực, có ý chí vượt qua thách thức, đặc biệt là phải có uy tín, lòng tin với bạn bè, người thân… Còn ngược lại thì thất bại cũng chỉ là thất bại mà thôi.

- Nhưng tại sao, phải đến lần thứ 3 phá sản ông mới nhận ra mình bị tay trắng... ?

Đúng vậy, hai lần đầu do tuổi trẻ "ngựa non háu đá" tôi chưa suy nghĩ "chín", chỉ sau lần thứ 3 tôi mới suy nghĩ rất nhiều. Câu hỏi tại sao mình làm gì cũng thất bại luôn ngự trị trong tâm trí tôi. Rồi tôi cũng ngộ, tuổi trẻ mình quá bồng bột, sốc nổi, việc hành đi quá nhanh so với việc học nên thiếu kinh nghiệm quản lý, không có chiến lược mang tính dài hơi, kinh nghiệm quản lý chi tiêu tài chính cũng chưa có.

- Với chuỗi thất bại liên tiếp, điều gì giúp ông thoát khỏi thế bế tắc ?

Không phải "điều" mà là "người". Trong lúc khó khăn nhất, ngoài người thân, gia đình, tôi còn nhớ nhất một người, đó là ông Trịnh Huy Luân - nguyên Giám đốc sở Giao Thông Thanh Hoá. Lúc chia tay tôi ở công trường, ông Luân đã tháo chiếc đồng hồ đeo tay tặng tôi. Đó là chiếc Citizen vàng chanh, loại đồng hồ xịn thời bấy giờ. Tôi không còn 1 xu và ông ấy bảo: "Cầm lấy, sẽ có lúc nó giúp cậu được nhiều việc". Trong lúc hoạn nạn vẫn có những người sẻ chia, tôi không bao giờ quên. Còn tiền thi công công trình, 6 năm sau bên A vẫn còn nợ, nợ đọng như vậy đã khó càng khó gấp bội. Cũng phải nói rằng có rất nhiều người tham gia dỡ nhà tôi khi tôi phá sản ngày ấy bây giờ họ vẫn rất khó khăn. Những người này bây giờ tôi vẫn giúp đỡ họ khi họ ốm đau, khi họ khó khăn về kinh tế. Ai cũng có những khó khăn riêng, họ không có gì đáng trách, cái đáng trách lớn nhất là sự thiếu kiến thức và tôi đã cố gắng để mình không còn thiếu điều đó nữa. Đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ với những ai có khát vọng tiến lên.

- Và ông "ngộ" ra điều gì ?

Trong nhiều năm sau đó tôi đã tìm các loại sách kinh tế, sách về quản lý, đào tạo nhân lực và đọc rất nhiều. Song song với tự nghiên cứu học hỏi, tôi tham gia các khóa học về quản trị doanh nghiệp, tham dự các hội thảo, chuyên đề về kinh doanh, kinh tế… để giao lưu học hỏi, mở rộng mối quan hệ. Tôi dành tất cả thời gian rỗi cho việc học đó và càng hiểu rằng việc kinh doanh thất bại trước đây của mình là tất yếu và không tránh khỏi. Năm 1996, khi đã có một hành trang kiến thức kinh doanh mà tôi nghĩ là... khá đủ.

Cũng năm đó, tôi chính thức thành lập DN với bộ máy và hoạt động bài bản, có định hướng chiến lược rõ ràng. Khi ấy tôi mới hiểu được, muốn phát triển phải có tri thức, làm kinh doanh cũng như người lái xe, đừng đi khi chưa thấy rõ đường.

Vững bước trước "bão"

- Vậy công việc quản lý của ông giờ ra sao ?

Với Cty của tôi hiện nay, mọi quy trình đều phải đảm bảo bài bản và khoa học. Tôi đã tin học hoá toàn bộ hệ thống quản lý. Bất kỳ lúc nào, ở đâu lãnh đạo điều hành cũng có thể kiểm tra, kiểm soát và nắm bắt toàn bộ các hoạt động của Cty ở từng vị trí hạng mục một cách chi tiết.

- Tôi còn được biết trong lúc DN, đặc biệt là DN bất động sản hoạt động cầm chừng thậm chí còn phá sản thì Đông Á Thanh Hóa (EIC) vẫn "khỏe" và sống mạnh. Liệu ông có thể chia sẻ bí quyết ?

Sở dĩ Cty của tôi vẫn trụ vững và phát triển tốt vì tôi luôn hoạch định chiến lược phát triển từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, lấy ngắn nuôi dài, lấy dài nuôi ngắn bổ trợ cho nhau. Tôi có một triết lý là làm kinh doanh giống như người lái xe, phải nhìn rõ đường mới đi. Tôi luôn mang trong mình những tư tưởng lấy "sạch làm đẹp" không mạo hiểm. Ngoài ra, tôi có đội ngũ tư vấn có trình độ, chuyên môn cao hỗ trợ Ban giám đốc. Tiêu chí cho chiến lược kinh doanh "lấy tâm làm trọng - lấy tầm cho chiến lược - lấy uy tín để gìn giữ thương hiệu và thành quả của mình". Với những chiến lược và tiêu chí như vậy, đến nay Cty phát triển vững chắc vững vàng trước "bão".

Bên cạnh đó, tôi luôn tìm hiểu những cơ chế chính sách của trung ương và địa phương để nắm bắt, vận dụng vào Cty nhằm đưa Cty phát triển bền vững. Việc trụ vững trước "bão" kinh tế, BĐS đã khẳng định được nội lực vị thế của Cty cũng như đã minh chứng cho chiến lược kinh doanh của tôi.

- Nhưng ông cũng có nhiều dự án "khủng" và "xương" mà không phải nhà đầu tư nào cũng dám làm đó chứ ?

Đúng vậy! Đơn cử, dự án "Khu đô thị ven sông Hạc" có quy mô 37 ha, với tổng mức đầu tư gần 2 nghìn tỉ đồng là một trong các dự án táo bạo mà nhiều người gọi là "xương" và "khủng". Vì dự án phải làm rất nhiều việc đồng bộ: vừa cải tạo môi trường, vừa di dân tái định cư, vừa xây dựng khu đô thị bán kính 4 km. Sông Hạc có từ thời Tiền Lê. Không những vậy, dòng sông này còn bị lấp dần sau chiến tranh, nước thải, ngập úng và ô nhiễm ở vùng này rất nặng. Tôi đã nghiên cứu kỹ và lên phương án cải tạo, xây dựng thành khu đô thị. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ trong kinh doanh đừng bao giờ nghĩ "đất lành chim đậu", phải dám vào chỗ khó, làm cho chỗ khó cũng biết sinh lợi, biến đất ô nhiễm thành đất lành. Tôi muốn tạo ra trên mảnh đất mà người ta đang cho là cằn cỗi, đang chết ấy một sự màu mỡ, một "cây đời mãi xanh" để kéo mọi người đến. Để biến nơi đó thành điểm sáng, là thành phố mới tại Thanh Hóa.

Hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai hàng loạt các dự án mới như khu đô thị Quảng Tân, Dự án Nam Sầm Sơn - khu du lịch nghỉ mát Đông Á … Khi những dự án này hoàn thành, Thanh Hóa - Sầm Sơn sẽ có một diện mạo mới. Cho đến bây giờ sau 50% thời gian dự kiến thì khối lượng công việc tôi cũng thực hiên được 50% và khi dự án xong sẽ góp phần đưa Thanh Hoá trở thành thành phố đô thị loại 1 trong tương lai đồng thời cũng chỉnh trang đổi mới lại thành phố.

- Ông có nói đến chiến lược phát triển Cty ngắn, trung và dài hạn. Vậy ông có thể chia sẻ về dự án trong dài hạn của Cty?

Giá trị lớn nhất đối với DN là uy tín. Uy tín mà chúng tôi xây dựng trong nhiều năm qua đã giúp chúng tôi đạt được nhiều kết quả không ngờ trong kinh doanh. Tôi luôn luôn có những sáng tạo đổi mới trong công việc kể cả những dự án trong tương lai, hiện nay về ngắn hạn tôi đang triển khai triệt để những dự án đã được giao thực hiện theo đúng tiến độ như đường giao thông, tư vấn thiết kế… làm kênh mương nội đồng, xây lắp để bổ trợ cho lúc thị trường BĐS đang trầm lắng. Còn về dài hạn, tôi đang lập một số dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6 -7 nghìn tỉ như: Dự án nâng cấp toàn bộ bãi biển Sầm Sơn lên tầm giống một bãi biển nước ngoài đầy đủ những yếu tố như tổ chức sự kiện, tạo một biển xanh Green Tower. Ngoài ra tôi cũng đang lập dự án tháp quay tạo sự khác biệt điển hình của Thanh Hoá. Những dự án này tôi đã báo cáo và được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương cho lập dự án.

- Tôi nghĩ ông đã đủ trải nghiệm và kinh nghiệm cho thất bại. Vậy kinh nghiệm của sự thành công theo ông là gì ?

Tôi nghĩ giá trị lớn nhất đối với DN là uy tín. Điều này rất đúng với Cty chúng tôi. Uy tín mà chúng tôi xây dựng trong nhiều năm qua đã giúp chúng tôi đạt được nhiều kết quả không ngờ trong kinh doanh. Năm 1996 tôi lập DN, khi ấy chỉ có hơn 1 tỉ đồng vốn thì bây giờ con số ấy đã tăng lên gấp nhiều lần. Đó cũng là do uy tín mang lại.

- Nếu lớp doanh nhân trẻ muốn học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, ông có thể nói gì ?

Tôi tin rằng, câu chuyện của tôi cũng đã giúp các bạn rút ra bài học cho mình rồi. Hiện nay, chúng tôi tập trung nghiên cứu và triển khai các dự án sao cho bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận đảm bảo tốt lợi ích xã hội. Đây cũng là cách để DN có thể phát triển bền vững. Doanh nghiệp của bạn sẽ chẳng có uy tín cao nếu bạn chỉ biết làm kinh doanh tốt mà quên mất trách nhiệm xã hội mà uy tín chính là nền tảng của sự phát triển. Phải biết lấy tâm làm trọng, lấy tầm cho sự phát triển bền vững và lấy trí dũng để giữ gìn những thành quả của sự phát triển ấy.

- Xin cảm ơn và chúc ông ngày càng thành công!

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện