Brain Rot: Khi thói quen dùng mạng xã hội “ăn mòn” bộ não

Tiếp xúc với nội dung chất lượng kém trên mạng xã hội ảnh hưởng xấu tới sức khỏe não bộ - Ảnh: DIW-Aigen

Thận trọng với trào lưu dùng tỏi trị mụn trên TikTok

Xuất hiện vi phạm quảng cáo TPBVSK Immukans trên TikTok

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thói quen khi sử dụng MXH ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần

Nội dung chất lượng kém ăn mòn bộ não

Nếu bạn từng cảm thấy não bộ của mình trì trệ dần sau hàng giờ lướt xem những nội dung ngắn trên mạng xã hội, bạn không phải là người duy nhất. Hiện tượng này được gọi tên là “brain rot”, mô tả trạng thái suy giảm trí tuệ hoặc tinh thần, đặc biệt là sau khi xem quá nhiều tài liệu, nội dung trực tuyến chất lượng kém.

Nhà xuất bản Đại học Oxford đã lựa chọn “brain rot” là từ nổi bật nhất năm 2024. Trong suốt năm qua, tần suất sử dụng thuật ngữ này đã tăng 230%, dùng để phản ánh thực trạng đáng lo ngại về thói quen tiêu thụ nội dung trong xã hội hiện đại. 

Tuy vậy, “brain rot” (được ghép bởi từ brain là não và rot chỉ trạng thái thối rữa, chết mòn) từng xuất hiện từ thế kỷ 19. Thuật ngữ này phổ biến trở lại khi mô tả chính xác trải nghiệm mà nhiều người gặp phải trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. 

Brain Rot do xem quá nhiều nội dung dễ tiêu trên mạng ảnh hưởng đến tư duy và khả năng tập trung

Brain Rot do xem quá nhiều nội dung dễ tiêu trên mạng ảnh hưởng đến tư duy và khả năng tập trung

Khi người dùng dành quá nhiều thời gian cho việc tiêu thụ các nội dung ngắn, dễ tiêu hóa trên mạng xã hội, khả năng tập trung và tư duy sâu sẽ dần bị bào mòn. Và hiện tượng này không chỉ xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ngay cả người trưởng thành cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những nội dung ngắn dạng video trên TikTok, Facebook, YouTube mà khó lòng dứt ra.

Chia sẻ với CNN, BS. Sanjay Gupta – chuyên gia giải phẫu thần kinh, Bệnh viện Đại học Emory (Mỹ) cho hay, các nhà khoa học thu thập ngày càng nhiều dữ liệu về hậu quả của việc tiếp xúc với quá nhiều nội dung số kém chất lượng. Với trẻ vị thành niên, lướt mạng xã hội trên 3 tiếng mỗi ngày có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ trầm cảm. Trong khi thống kê tại Mỹ cho thấy, có tới 95% trẻ từ 13-17 tuổi sở hữu thiết bị di động cá nhân, thời gian ôm điện thoại trung bình là 5 tiếng mỗi ngày. 

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, ở người dành quá nhiều tiêu thụ nội dung chất lượng kém, một số vùng của não sẽ mỏng dần đi, trong đó có vỏ não - nơi chịu trách nhiệm cho chức năng tư duy và cảm xúc. Không chỉ chất xám mà chất trắng trong não cũng chịu ảnh hưởng do thói quen này. Hậu quả là nhiều người nhận thấy khả năng tư duy kém nhanh nhạy, hoặc có biểu hiện tương tự chứng sương mù não

Tiêu thụ nội dung lành mạnh để bảo vệ bộ não

Một bộ phận người dùng mạng xã hội có thói quen lướt xem nội dung ngắn trong vô thức

Một bộ phận người dùng mạng xã hội có thói quen lướt xem nội dung ngắn trong vô thức

Xem quá nhiều nội dung trực tuyến tầm thường hoặc không có tính thử thách là yếu tố được nhấn mạnh trong định nghĩa “brain rot”. Não bộ tuy không phải cơ bắp, nhưng nếu không sử dụng và rèn luyện thường xuyên, cơ quan này cũng suy yếu. 

Não bộ được tạo thành từ nhiều tế bào thần kinh, chúng gửi tín hiệu và liên lạc với nhau thông qua chất dẫn truyền thần kinh. Nếu một tế bào não không được sử dụng hoặc không liên lạc với tế bào bên cạnh, tế bào não đó sẽ mất đi chức năng.

BS. Gupta nhấn mạnh, 3 yếu tố khiến bạn dễ bị rơi vào vòng xoáy lướt mạng không hồi kết gồm: Xem bao nhiêu; Nội dung có điểm gì giống nhau; Xem ở môi trường thế nào. Ví dụ, người xem liên tục 5 video ngắn sẽ dễ xem thêm video thứ 6 và nhiều hơn nữa. Các thuật toán củ mạng xã hội cũng sẽ tìm ra video tương tự nội dung bạn đã xem để thu hút sự chú ý của bạn. Người lướt mạng xã hội ở môi trường không bị làm phiền cũng khó dứt ra hơn. 

Theo Viện Nghiên cứu Newport (Mỹ), những hành vi dùng mạng xã hội dễ khiến não bộ chết dần, chết mòn bao gồm:

- Lướt mạng xã hội như xác sống: Theo đó, người dùng nhìn chăm chăm vào màn hình, để ngón tay lướt vô thức theo thói quen mà không có mục đích hoặc thu được lợi ích nào từ nội dung trực tuyến.

- Lướt xem nội dung tiêu cực: Hành vi lướt xem quá nhiều nội dung mang ý nghĩa tiêu cực (doom scrolling), kích thích sự giận dữ, đau buồn… Người có thói quen này luôn bị thúc giục phải cập nhật tin tức, ngay cả khi đó là nội dung phản cảm.

- Nghiện mạng xã hội: Người dùng liên tục bị thôi thúc phải kiểm tra mạng xã hội và có cảm giác bồn chồn khi cố gắng bỏ thói quen này.  

Để bảo vệ bộ não trong thời đại số, người dùng nên cắt giảm thời gian lướt web, xem video hay chơi game. Xóa bớt các ứng dụng gây xao lãng, cản trở cuộc sống; Hạn chế ôm điện thoại trước giờ đi ngủ.

Một biện pháp khác mà cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên cần làm là chú ý đến nội dung mình tiếp nhận mỗi ngày. Chủ động chặn hoặc bỏ theo dõi những tài khoản hay đăng thông tin kích thích sự tiêu cực, lo âu hoặc giận dữ. Đa dạng hóa các kênh truyền thông sẽ đem lại cho bạn góc nhìn đa dạng, cân bằng về thế giới.

Sau những giờ tiếp xúc với Internet, tốt hơn hết bạn nên rời mắt khỏi màn hình điện thoại, máy tính. Thay vào đó, trở về với những thói quen lành mạnh ở đời thực như nghe nhạc, viết nhật ký, tập thể dục, thiền định hay cắm trại ngoài trời.  

Nếu bạn lo lắng não bộ của mình có nguy cơ bị bào mòn, hãy thách thức trí não bằng nhiệm vụ khó nhằn như học ngoại ngữ, học một kỹ năng mới, xem những bộ phim tài liệu, viết hoặc đọc sách. Hãy đào tạo lại bộ não để vượt qua cám dỗ của hành vi lướt xem những nội dung dễ tiêu hóa. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện