Khủng hoảng tâm lý sau kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến sĩ tử mất niềm tin vào bản thân
Làm sao giảm nồng độ cortisol, giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả?
Bí quyết kiểm soát stress dành cho học sinh, sinh viên
Đừng để áp lực thi cử khiến cả cha mẹ và con đều “stress”
7 cuốn sách giúp bạn giải tỏa nỗi buồn
Kỳ thi khó đến “phát khóc”
Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 kết thúc, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến đề thi hai môn Toán và Tiếng Anh. Hầu hết cho rằng, đề thi hai môn Toán và Tiếng Anh khó hơn nhiều so với đề minh họa được công bố trước đó.
Đề thi khó ảnh hưởng đến kỳ vọng và kế hoạch tương lai của nhiều thí sinh. Một học sinh chuyên ngữ tại Hà Nội chia sẻ trên mạng xã hội Threads, với độ khó của đề thi năm nay, em có thể phải từ bỏ ước mơ du học.
Nhiều phụ huynh có con sinh năm 2007 đã đăng tải tâm thư trên mạng xã hội nói lên nỗi lòng của mình. Có người kể câu chuyện của con mình từng đạt giải học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, ôn luyện miệt mài với mục tiêu vào Đại học Ngoại thương, nhưng đã bật khóc sau kỳ thi vì nỗi lo “một giấc mơ vỡ vụn”.
Những lo lắng của học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ dừng lại ở chuyện điểm số, mà còn làm lung lay niềm tin vào bản thân và mất phương hướng về tương lai. Để kết quả thi không trở thành “cú sốc” ở tuổi 18, các bậc cha mẹ cần có phương án “chống sốc” cho con ngay từ sớm.
Giải mã tâm lý học sinh sau kỳ thi quan trọng

Trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+, chuyên gia tâm lý Chu Thị Thảo, Trung tâm Trung tâm Tâm lý và Phát triển Con người NHC Việt Nam cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay dấu mốc bản lề của 12 năm phấn đấu, có thể mở ra hoặc đóng lại cánh cửa đến với tương lai mà các em đã kỳ vọng. Do đó, biểu hiện tâm lý điển hình học sinh gặp phải sau kỳ thi là trạng thái hoang mang, tự nghi ngờ bản thân. Hiện tượng này rất dễ xảy ra ở những em vốn có học lực khá nhưng chẳng may “học tài thi phận” trong kỳ thi lần này.
Số khác có có xu hướng thu mình lại, tạm thời “biến mất” trên các nền tảng mạng xã hội để tránh bị hỏi han hoặc so sánh điểm số. Nỗ lực 12 năm đèn sách bỗng nhiên bị “điểm số” phủ nhận khiến nhiều em muốn buông xuôi, ngừng cố gắng trong những cấp học cao hơn. Những biểu hiện tâm lý đáng lo ngại như mất ngủ, rối loạn ăn uống, khóc lặng lẽ vào ban đêm, mất động lực… là những cảnh báo không thể xem nhẹ. Những chấn động tâm lý ở ngưỡng cửa trưởng thành có thể bám theo các em trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Bệnh thành tích có thể được xem là bệnh mạn tính của hệ thống giáo dục nước ta. Mọi kỳ vọng của nhà trường và xã hội tạo nên gánh nặng đè nén lên đôi vai của học sinh. Chuyên gia Chu Thị Thảo lý giải: “Từ nhỏ, học sinh đã được dạy rằng: Điểm cao là giỏi, điểm thấp là kém. Lâu dần, học sinh không chỉ thi để được điểm cao, mà thi để được yêu thương, được công nhận, được cảm thấy mình xứng đáng.”
Không để một kỳ thi giới hạn tương lai
Sĩ tử sinh năm 2007 thuộc thế hệ Z (gen Z), chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong vài năm học, được đánh giá là có tỷ lệ trầm cảm và lo âu nhiều hơn hẳn những thế hệ khác. Lớn lên với Internet, các em có khả năng kết nối gần như không giới hạn, nhưng cũng bị bủa vây bởi lượng thông tin khổng lồ. Nếu trước đây điểm số chỉ bị so sánh trong trường, trong khu dân cư hoặc với những cá nhân tiêu biểu trên truyền hình, nay các em có thể bị so sánh với “con nhà người ta” trên khắp cả nước.
Những người thuộc thế hệ 9x trở về trước có lẽ vẫn còn nhớ những vụ tự tử do trượt đại học sau mỗi mùa thi. Để những tin tức đau lòng ấy không xảy ra nữa, chúng ta cần trang bị cho học sinh nhiều hơn là kiến thức. Theo chuyên gia Chu Thị Thảo, giáo dục cần giúp các em học được cách đối diện với thất bại, vượt qua tổn thương, và đi tiếp với lòng tin vào bản thân.

Về phía gia đình, chuyên gia cho rằng sự quan tâm nhẹ nhàng, không phán xét là liều thuốc giảm đau hiệu quả nhất trong giai đoạn hậu kỳ thi. Sau khi con đã ổn định về mặt cảm xúc, cha mẹ và người thân có thể cùng con điều chỉnh kỳ vọng và phân tích phương án xét tuyển khả thi.

Về phía nhà trường, nên tránh trút thêm gánh nặng “bệnh thành tích” xuống học sinh. Không nên công khai hóa điểm số bằng cách hình thức dán bảng điểm, xếp hạng học sinh sau kỳ thi, vô tình làm tổn thương thêm các học sinh. Nếu có điều kiện, nhà trường có thể tạo nên không gian an toàn, với sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý để giúp các em giãi bày nỗi buồn, can thiệp sớm nếu có dấu hiệu trầm cảm hoặc mất động lực.
Điểm thi tốt nghiệp có thể là thước đo đánh giá thành quả học tập 12 năm THPT của học sinh, nhưng không thể giới hạn tương lai rộng mở phía trước của các em.
Bình luận của bạn