Bạn sẽ trực tiếp nhìn thấy, biến đổi khí hậu làm tăng các kiểu thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, nắng nóng bất thường, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Những kiểu thời tiết cực đoan này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Cơn bão Yagi và những tàn dư hậu bão của nó là những minh chứng rõ nét. Cho đến giờ, ngành y tế vẫn còn đang phải chống dịch và những tác hại hậu dịch. Cháu bé làng Nủ cũng mới vừa xuất viện trong vài ngày vừa rồi, và chúng ta chưa thể đánh giá hết được các tác hại mà siêu bão, lũ ống, lũ quét có thể gây ra cho sức khỏe một người và cả cộng đồng.
Chất lượng không khí của Hà Nội những tuần vừa qua như thế nào bạn cũng rõ. Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội là màu đỏ, thậm chí có những điểm tím. Tỷ lệ bụi mịn đậm đặc. Hít thứ không khí đó vào phổi sẽ có tác hại gì, có lẽ tôi sẽ không cần nhắc tới nữa. Nhưng đâu thể không hít thở, đâu thể ru rú trong nhà không bước chân ra đường. Chúng ta vẫn phải đi làm, đi gặp gỡ, đi giao lưu và đi tập luyện nữa, đúng không? Mỗi giây mỗi phút, chúng ta đang đưa “chất độc” vào trong cơ thể. Và còn nhiều vấn đề khác nữa mà biến đổi khí hậu mang lại như những đợt nắng nóng bất thường. Và không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các thành phố, tỉnh thành khác trên cả nước. Trừ khi bạn vào rừng sâu, nếu không, bụi mịn vẫn bao phủ bạn.
Đó là những vấn đề của sức khỏe. Với kinh tế, xã hội thì sao? Chi phí điều trị bệnh tăng làm tăng gánh nặng cho xã hội. Người lao động bị bệnh, phải điều trị nhiều làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những điểm khuất này, không phải ai cũng nhìn thấy được. Lũ lụt, hạn hán, bão từ, sóng nhiệt, nước biển dâng… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Chỉ cần một trận lũ làm gián đoạn giao thông trong một vài ngày sẽ có ảnh hưởng như thế nào? Nhà máy không đủ nguyên liệu sản xuất, công nhân thiếu việc làm… hay sâu xa hơn, với các công ty dược như chúng tôi, nguyên liệu thảo dược khan hiếm do lũ lụt, không đủ hàm lượng do hạn hán… cũng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất.
Tuy nhiên, là một dược sỹ, tôi thực sự quan tâm tới các vấn đề của sức khỏe và mong muốn tìm được giải pháp giúp người dân Việt Nam nâng cao thể trạng, tăng cường sức khỏe, chống lại được biến đổi khí hậu.
Như tôi đã nói ở trên, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người bằng nhiều cách khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được 5 vấn đề sức khỏe mà biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới con người.
Thứ nhất là sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và sự thay đổi nhiệt độ. Các hiện tượng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Ví dụ, sóng nhiệt - nhiệt độ cao kéo dài, làm tăng nguy cơ mất nước, sốc nhiệt và các bệnh liên quan đến tim mạch. Những người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ví dụ, trong đợt sóng nhiệt tại châu Âu năm 2003, hơn 70.000 người đã thiệt mạng vì những biến chứng liên quan đến nhiệt độ quá cao.
Lũ lụt không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm gia tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật. Nước lũ có thể mang theo các mầm bệnh từ rác thải, phân bón và hóa chất, gây ô nhiễm nguồn nước và lây lan các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và viêm màng não. Ngoài ra, lũ lụt còn làm gia tăng nguy cơ chấn thương và tử vong do đuối nước và các tai nạn khác.
Thứ hai là sự thay đổi mô hình của các bệnh truyền nhiễm. Như tôi đã nói ở trên, sự ấm lên của Trái Đất đã mở rộng phạm vi phân bố của các loài muỗi mang mầm bệnh như Anopheles (truyền bệnh sốt rét) và Aedes (truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika). Các khu vực vốn dĩ không phải là ổ dịch của các loại bệnh này như châu Âu và Mỹ đang dần trở thành những điểm nóng mới. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những quốc gia có hệ thống y tế yếu kém, không đủ năng lực ứng phó với sự gia tăng đột biến của các ca bệnh. Nhiệt độ cao và điều kiện môi trường thay đổi làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn và virus gây bệnh trong thực phẩm và nước, dẫn đến sự bùng phát của các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và viêm ruột.
Thứ ba là chất lượng không khí và các bệnh liên quan đến hô hấp. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, từ đó gia tăng các các chất gây ô nhiễm như khí CO2, bụi mịn (PM2.5, PM10) là nguyên nhân chính gây ra các bệnh đường hô hấp và tim mạch. Khí thải, bụi mịn hay khói từ các đám cháy rừng là nguyên nhân gây ra viêm phế quản, hen suyễn, suy giảm chức năng phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Thứ tư là tác động đến an ninh lương thực và dinh dưỡng. Sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra sự giảm sút về năng suất cây trồng và chăn nuôi. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi người dân phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Thiếu lương thực làm gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như còi cọc, suy dinh dưỡng và tử vong.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nồng độ CO2 tăng cao trong khí quyển có thể làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là các loại ngũ cốc. Ví dụ, nồng độ protein, kẽm và sắt trong các loại cây trồng như lúa và lúa mì có thể giảm đi khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp, nơi nguồn dinh dưỡng chủ yếu đến từ thực phẩm thực vật.
Thứ năm là tác động tâm lý và sức khỏe tinh thần. Những thay đổi lớn về môi trường, sự mất mát về tài sản và sinh kế do các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như sự lo lắng về tương lai, đã góp phần làm gia tăng các rối loạn tâm lý. Những người sống trong các khu vực thường xuyên phải đối mặt với bão lụt, hạn hán hay cháy rừng có nguy cơ cao bị các rối loạn tâm lý như lo âu và trầm cảm. Sự mất mát về nhà cửa, tài sản và thậm chí người thân trong các thảm họa thiên nhiên khiến nhiều người phải chịu đựng các vấn đề tâm lý nặng nề. Những người sống sót sau các thảm họa tự nhiên do BĐKH gây ra có nguy cơ cao bị rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD). Trong năm 2024 này, nhiều chương trình sức khỏe của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đều hướng tới Sức khỏe tinh thần là vì thế.
Nguyên nhân chủ quan tới từ con người. Đó là sự gia tăng phát thải khí nhà kính từ lúc bắt đầu thời kỳ công nghiệp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt, cháy rừng… làm gia tăng lượng khí thải vào trong khí quyển, làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Các ngành công nghiệp chịu trách nhiệm tới 70% lượng khí thải vào khí quyển này. Việc sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lớn, trang trại gia súc lớn, rau trồng trong nhà kính cũng góp phần không nhỏ vào việc phát thải khiến trái đất nóng lên. Người ta dự báo, nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng thêm 1,5 độ C trong năm nay, vượt qua mục tiêu của Thỏa thuận Paris, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe toàn cầu.
Bên cạnh các lý do chủ quan cũng có những lý do khách quan khác như sự tác động của các yếu tố thiên văn. Cách đây vài năm, tôi có đọc được một bài nghiên cứu được đăng tải trên một tờ tạp chí khoa học uy tín, rằng cái sự “nghiêng” của trái đất – trục quay của Trái Đất có sự thay đổi, dịch chuyển khoảng 80cm cũng đã có những tác động không thể bỏ qua tới các vấn đề của toàn cầu. Dường như, đây là tác động khiến các hiện tượng khí hậu như El Ninõ và La Nina trở nên mạnh hơn và khó đoán hơn trước. Ai mà có thể ngờ được, sa mạc Sahara ngập lụt, còn sông Amazon thì cạn nước chứ.
Và có thêm một yếu tố này nữa, sự thay đổi từ trường của trái đất. Có vẻ như sự “nghiêng” của trái đất đang làm cho từ trường yếu đi. Từ trường là một trong những yếu tố nuôi dưỡng sự sống trên trái đất này. Sự thay đổi từ trường cũng đồng nghĩa với việc tần số Schumann của trái đất thay đổi, hiện đã tăng lên nhiều lần. Năm 1952, tiến sỹ vật lý Đức Winfried Otto Schumann đo lần đầu tiên chỉ số này là 7,82 Hz (nên gọi là cộng hưởng Schumann) và ổn định sau rất nhiều năm, đến 2014 đã tăng đột ngột lên 8,5 Hz. Đến 2022 cộng hưởng Schumann đã tăng tới 150 Hz. Và đến nay đã tăng lên 156 Hz. Sự thay đổi này góp phần làm tăng tần suất của tình trạng thời tiết cực đoan như tôi đã nói ở trên.
Hay như những biến đổi của các hành tinh trong hệ Mặt Trời, như sao Mộc và sao Thổ, có thể có tác động đến trái đất thông qua các lực hấp dẫn và thay đổi quỹ đạo. Mặc dù tác động này nhỏ và không phải là yếu tố chính gây biến đổi khí hậu, nhưng nó có thể tác động đến chu kỳ của các hiện tượng khí hậu, chẳng hạn như sự thay đổi trong thủy triều và ảnh hưởng đến các mùa vụ. Những thay đổi này, kết hợp với các yếu tố khác, có thể góp phần làm gia tăng sự biến động của thời tiết và khí hậu.
Đúng. Theo tôi, chúng ta không chỉ ứng phó khi biến đổi khí hậu tác động tới mình, chúng ta cần chủ động đi trước, ngăn chặn các tác động đó. Bằng cách nào? Theo tôi có 4 bước sau.
Thứ nhất, dinh dưỡng hợp lý. Cái này rất nhiều chuyên gia đã nhắc tới. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tật. Dù bạn đi khám bệnh hay đi khám sức khỏe tổng quát hay trò chuyện với bất cứ chuyên gia tư vấn nào thì những lời nhắc về đảm bảo dinh dưỡng cũng như xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng khoa học hướng đến hạn chế các thực phẩm từ động vật, hướng đến các sản phẩm từ thực vật, ngũ cốc. Những thực phẩm này tốt cho cơ thể và giúp duy trì sức khỏe bền vững. Ngoài ra, nên chọn thực phẩm hữu cơ (organic) để giảm thiểu nguy cơ tác động từ hóa chất và thuốc trừ sâu.
Thứ hai là tăng cường hoạt động thể chất. Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao năng lượng và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật. Nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, yoga để duy trì sức khỏe. Cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, không uống rượu để bảo vệ sức khỏe.
Thứ ba là tăng cường hệ miễn dịch. Có nhiều cách để tăng cường hệ miễn dịch như dinh dưỡng, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Nhưng với vai trò là dược sỹ, tôi muốn nhấn mạnh tới các sản phẩm bộ trợ như thực phẩm chức năng. Có thể sẽ có nhiều người hiểu lầm về sản phẩm này, nhưng, thực phẩm chức năng là kết tinh của khoa học và y học, dùng khoa học để đưa những hoạt chất có lợi của thiên nhiên tới gần hơn với con người, bằng những cách tiện lợi và dễ sử dụng. Probiotics, prebiotics, omega-3, vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa… rất có lợi cho sức khỏe, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có điều kiện sử dụng thực phẩm có chứa các chất đó hoặc cơ thể có thể hấp thu hết các hoạt chất có lợi trong thực phẩm. Bổ sung các hoạt chất này qua đường bào chế, có lợi cho cơ thể hơn nhiều.
Và bước thứ tư, cũng vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần và cải thiện tầng số năng lượng của cơ thể. Nói hơi tâm linh một chút thì cơ thể con người được chia thành 4 thể, thể xác (thể vật lý), thể phách (thể khí), thể vía (dĩ thái) và thể hồn (thể trí). Cả 4 thể này đều chịu tác động khi trái đất thay đổi, từ môi trường bên ngoài tới tần số rung động bên trong. Để có thể giảm thiểu những tác động từ trái đất này, mỗi người cần tích cực nuôi dưỡng tinh thần, thực hành chánh niệm, xây dựng cảm xúc yêu thương. Mỗi ngày, hãy dành ra một chút thời gian để bản thân được lắng nghe những câu khẳng định tích cực, nuôi dưỡng lòng biết ơn và hình dung những trải nghiệm hạnh phúc. Chúng ta có thể đọc sách, nghe podcast truyền cảm hứng và không ngừng học hỏi, phát triển tư duy tích cực sẽ giúp bạn nâng cao tần số năng lượng của bản thân.
Thực hành thiền định cho phép chúng ta kết nối với thế giới nội tâm và khoảnh khắc thực tại, giúp làm dịu tâm trí, đồng thời điều chỉnh tần số năng lượng. Ngồi thiền sẽ giúp tâm trí được nghỉ ngơi, tạm thời thoát khỏi những kế hoạch đau đầu, những lo âu muộn phiền và nhiễu nhương thế sự, tạo không gian để tần số năng lượng của bạn lắng lại, không còn điên cuồng chạy theo nhịp điệu guồng quay cuộc sống thường ngày, mà quay về trạng thái thanh thản, bình tâm hơn. Thiền định cũng có tác dụng giúp giảm căng thẳng, lo lắng - những cảm xúc mang tần số năng lượng thấp. Bằng cách này, tâm trí chúng ta sẽ được thư giãn và phục hồi, tạo điều kiện tốt nâng cao tần số năng lượng của mình. Ngoài ra, thiền định cũng giúp gia tăng lòng trắc ẩn và khả năng thấu cảm – những cảm xúc thuộc về tần số năng lượng cao.
Có làm được như vậy, chúng ta mới có thể chủ động phòng ngừa trước những biến động của biến đổi khí hậu, ổn định sức khỏe và thể trạng.
Bình luận của bạn