



Thực tế, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng năm 1986 và tiếp tục được khẳng định trong các Nghị quyết sau này. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nêu rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Chính nhờ vậy, trong những năm qua, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận trong bài viết của mình.
Tuy nhiên, đúng là vẫn còn đâu đó những rào cản khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển xứng tầm. Có thể nhìn thấy rõ, các doanh nghiệp tư nhân lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước. Sự thiếu hụt hỗ trợ về mặt pháp lý cộng thêm những bất cập trong hỗ trợ đầu tư, công nghệ, năng lực… khiến các doanh nghiệp tư nhân khó có thể bứt phá vượt trội như mong muốn.

Theo tôi, cần phải có những giải pháp đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn, ở cả thể chế và nhận thức.
Để kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị định, nghị quyết, quy định phù hợp với sự phát triển của thời đại, đảm bảo quyền và lợi ích, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Loại bỏ tư tưởng “trọng công không trọng tư”, “độc quyền” của các doanh nghiệp nhà nước trong mọi lĩnh vực, khẳng định vai trò và sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của kinh tế đất nước… Phải có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp tư nhân ngang hàng với các doanh nghiệp nhà nước trong tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ… Hay nói chính xác hơn là bình đẳng giữa các hình thức doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, FDI…) trong mọi phương diện, có như vậy, mới thúc đẩy kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển.
Như trong bài viết của TBT Tô Lâm nêu rõ, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này bị hạn chế về tài chính và trình độ quản trị, thiếu sự kết nối trong nước chứ chưa nói đến khu vực đầu tư nước ngoài. Trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ và yêu cầu chuyển đổi số để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, các doanh nghiệp này rất khó có cơ hội tiếp cận, chứ đừng nói đến tận dụng. Chưa kể, sự đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới mô hình kinh doanh cũng rất chậm. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Đòn bẩy tài chính sẽ là giải pháp giúp các hộ kinh doanh nhỏ thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn. Theo đó, cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về khoa học công nghệ. Thậm chí, nhà nước có thể bỏ tiền đầu tư vào khoa học công nghệ và cho phép các doanh nghiệp khấu hao dần. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ rất thiết thực và dám dấn thân, tiến bước mạnh mẽ trong khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh thay đổi chính sách, thể chế thì cũng cần thay đổi nhận thức, tư duy từ cả hai phía.
Để thay đổi tư duy cần phải tuyên truyền, vận động để cho toàn bộ xã hội hiểu đúng về vai trò của kinh tế tư nhân và thương nhân. Những đóng góp của kinh tế tư nhân và các thương nhân với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước phải được tôn vinh, khuyến khích, để xã hội có cái nhìn đúng về doanh nghiệp tư nhân. Nhưng bên cạnh đó, cũng nên tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp tư nhân. Tức là ngoài việc tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập thì doanh nghiệp tư nhân cũng phải có trách nhiệm với xã hội.
Mỗi doanh nhân phải luôn có tư duy “làm giàu cho đất nước trước khi làm giàu cho bản thân”. Cần phải phá bỏ tư duy vun vén cho cá nhân, không quan tâm tới các vấn đề xã hội. Ngoài việc tạo công ăn việc làm thì cũng nên quan tâm tới việc tạo giá trị xã hội. Đồng thời, cần hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường bằng các hình thức ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh cần có kết nối với cộng đồng, có trách nhiệm xã hội rõ ràng. Ngoài tạo ra việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải cam kết đồng hành với cộng đồng, với chính quyền, tham gia vào việc bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa xã hội. Đồng hành với chính quyền địa phương trong việc phát triển văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ví như ở IMC, chúng tôi đã thành lập trung đội tự vệ, thường xuyên tham gia các hoạt động của quận đội để giáo dục công dân về trách nhiệm với đất nước; Thành lập Đoàn thanh niên, tổ chức Đảng, Hội phụ nữ…; Tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Nhờ có sự tham gia này mà mỗi khi nhắc tới, cộng đồng, xã hội không chỉ nhớ tới các sản phẩm do IMC sản xuất đạt tiêu chuẩn mà còn nhớ tới các hoạt động mà IMC đã tham gia. Điều này sẽ nâng cao vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong lòng xã hội.


Hiện nay, cạnh tranh toàn cầu là cạnh tranh về thương hiệu. Trong khi đó, nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chỉ là các sản phẩm gia công – như giày dép, may mặc…, hoặc các sản phẩm nguyên liệu thô – như gạo, cà phê, ca cao, tôm, cá… nên lợi nhuận doanh nghiệp không đáng kể cũng không tạo được vị thế cho thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Theo tôi, cần có định hướng từ Nhà nước về vấn đề này. Trước hết, phải xác định được thế mạnh của Việt Nam và sự tham gia của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta cần là một mắt xích trong chuỗi cung ứng này chứ không chỉ đơn thuần là đơn vị gia công giá rẻ. Và để làm được như vậy, cần đầu tư chất xám và công nghệ, tăng giá trị sản phẩm chứ không phải tăng sản lượng.
Tôi lấy một ví dụ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, tôm, cá basa… đều là những mặt hàng chế biến thô, không có sức hút đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, thế giới hiện nay chuộng sản phẩm hữu cơ, tự nhiên, được chế biến tiện dụng, đem lại lợi ích về sức khỏe. Bắt nhịp với xu hướng này, IMC đã đầu tư vùng trồng, áp dụng công nghệ lượng tử vào nuôi tôm theo phương thức hữu cơ. Nuôi tôm theo phương thức này không chỉ giúp nâng cao chất lượng con tôm mà còn đảm bảo yếu tố môi trường cho vùng nuôi trồng, ví như không phát thải khí nhà kính. Chúng tôi cũng đầu tư dây chuyền chế biến cung cấp cho thị trường những sản phẩm tiện lợi như bánh tôm, tôm nướng, tôm bỏ lò… Khách hàng mua sản phẩm về chỉ cần làm nóng lại là có thể sử dụng. Không chỉ vậy, trên nhãn sản phẩm có đầy đủ phương thức để họ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ vùng trồng cho đến phương thức chế biến. Nhờ đó, sản phẩm của chúng tôi mới có thể cạnh tranh được với các thương hiệu lớn của thế giới.
Trong nhóm sản phẩm chủ chốt như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nước uống bổ dưỡng, chúng tôi dùng công nghệ lượng tử để chiết xuất dược liệu. Nhờ đó, nguyên liệu sản xuất của chúng tôi có hàm lượng hoạt chất cao, thời gian sử dụng cũng dài hơn, độ an toàn của sản phẩm cũng cao hơn. Cũng nhờ đó, giá thành sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh công nghệ lượng tử, chúng tôi đã áp dụng nhiều công nghệ và thành tựu công nghệ khác trong sản xuất, ví như đã ứng dụng thành công hoạt chất lunasin – một thành tựu trong hỗ trợ phòng ngừa ung thư, trong nhiều nhóm sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ tái tổ hợp tế bào để sản xuất tế bào gốc ở Việt Nam. Chúng tôi xác định không cạnh tranh bằng những sản phẩm đã có trên thị trường, sẽ cạnh tranh bằng những sản phẩm khác biệt và có giá trị cao với người tiêu dùng. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt tìm được hướng đi đúng trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hiện nay.


Bình luận của bạn