60% phụ nữ mang thai không biết bị hẹp van tim

60% phụ nữ mang thai khi đi cấp cứu không biết mình bị hẹp van tim từ trước

Lần đầu tiên thay van tim tại mỏm tim

Phương pháp mới cho bệnh nhân hở van tim hai lá

Người thấp khớp cấp dễ bị hẹp van tim

Lần đầu thực hiện can thiệp kẹp sửa van tim qua da

Mổ nội soi thay van tim cho bệnh nhân

TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết, bệnh tim mạch nói chung và van tim nói riêng là những bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai thì nguy cơ tử vong, sảy thai rất cao ở giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ.

Vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dầy lên, dính vào nhau hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim.

Hẹp van tim là tình trạng khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) có thể gặp ở tất cả các van tim và đều có thể gây ra các rối loạn lưu chuyển máu và dẫn đến hậu quả bệnh lý từ mức độ nhẹ đến nặng.

Ở những phụ nữ khỏe mạnh thì hệ thống tim mạch có thể thích ứng được với những thay đổi khi mang thai nhưng người bị bệnh tim thì thai nghén trở thành một gánh nặng có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và con. Bởi khi phụ nữ có thai sẽ xuất hiện các biến đổi về giải phẫu, nội tiết, tuần hoàn... đặc biệt là tim và các mạch máu.

Đầu tiên, người mẹ sẽ tăng thể tích máu, trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, thể tích máu tuần hoàn sẽ tăng lên 40 - 50% và duy trì ở mức này trong suốt quá trình mang thai. Cung lượng tim sẽ tăng lên 30 - 40%, tương ứng với mức tăng thể tích máu. Bên cạnh đó, khi mang thai, người mẹ cũng sẽ tăng nhịp tim lên 10 - 15 nhịp/phút...

Theo TS Hùng, phụ nữ nếu có sẵn bệnh lý tim mạch cần đi khám bác sỹ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai. Bác sỹ sẽ đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai, có cần dùng thuốc hoặc cách thức điều trị nào khác trong thai kỳ...

Nguyên nhân gây bệnh lý van tim thường gặp nhất ở Việt Nam là thấp tim. Thấp tim thường gây dày dính, co kéo, vôi hóa hệ thống van tim, làm cho van bị hẹp, lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây bệnh cảnh hẹp – hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ.

Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim ít gặp hơn như bẩm sinh, do nhồi máu cơ tim (đứt dây chằng cột cơ gây hở van tim thường gặp nhất là van hai lá), do giãn các buồng tim trong bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim giãn vô căn…
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn