Ba nguyên tắc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

Ba nguyên tắc cứu mạng trẻ bị tiêu chảy cấp 1
Môi trường sống mất vệ sinh vì hoàn cảnh khó khăn khiến người dân lô 1-9, xã Lê Minh Xuân tiếp tục đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: Đỗ Bá
Nguy cơ nhiễm bệnh rình rập

Chị Hồ Thanh Đào (ở tổ 8, xã Lê Minh Xuân) có con trai 1 tuổi may mắn vừa thoát bệnh tiêu chảy cấp sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong đợt bùng phát ổ bệnh hôm 10/7. Đến hôm nay, chị vẫn hết sức lo lắng cho sức khỏe của bé. Nỗi lo của chị không phải vô cớ bởi ngôi nhà nhỏ tạm bợ gia đình chị đang sinh sống bị bao bọc xung quanh bởi ao cá, chuồng nuôi nhím, nuôi heo…

Ngày 27/7, khi chúng tôi đến, chị Đào đang lấy nước sinh hoạt từ đường ống nhỏ, “câu” nhờ từ gia đình bên cạnh. Do nhiều người cùng “câu” nhờ nên nước chảy quá yếu, chị Đào phải để thau thấp dưới ao mới lấy được nước, trong khi nước ao cá rất bẩn. “Để làm được đồng hồ và đường ống riêng vào nhà mình, phải tốn không dưới 6 triệu đồng. Gia đình tôi lo không nổi! Đành phải xài tạm bợ như thế này thôi...”, chị Đào than thở. Hôm 10/7, con trai chị bị bệnh tiêu chảy cấp cùng với 5 trẻ em khác ở khu vực này, trong đó có một trẻ không may đã tử vong. “Trước khi mắc tiêu chảy cấp, con tôi cũng hay bị bệnh hô hấp. Tôi cũng biết bệnh tật là do môi trường sống mất vệ sinh nhưng không ở đây thì biết đi đâu?”, người mẹ trẻ sống tại lô 1-9 hơn 20 năm qua nói giọng buồn rầu.

Cách nhà chị Đào vài bước chân là gia đình bé Bo 10 tháng tuổi không may thiệt mạng vì tiêu chảy cấp. Bà nội và bố mẹ cháu đến thời điểm này vẫn không thể tin được căn bệnh này lại tước đi mạng sống của bé! “Cháu nó mập mạp, trắng trẻo, 10 tháng đã hơn 9kg rồi. Gia đình phát hiện bé bị tiêu chảy hôm trước hôm sau đưa đi bệnh viện, vậy mà vẫn không cứu được…”, bà P.T.L- bà nội bé Bo tức tưởi. Bà L có 2 cháu mắc tiêu chảy cấp cách nhau 4 ngày, nhưng may mắn một bé đã được điều trị kịp thời.
Xử lý sai khi trẻ bị tiêu chảy

Theo số liệu Viện Pasteur TPHCM, 6 tháng đầu năm, địa phương này đã có 3.719 ca tiêu chảy cấp. Riêng tại xã Lê Minh Xuân có 75 trường hợp trong số 293 ca của huyện Bình Chánh. Ngành Y tế địa phương đang rốt ráo triển khai mọi biện pháp để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.
“Không ít trẻ bị bệnh tiêu chảy nhẹ mà chuyển nặng, chướng bụng, thậm chí thủng ruột, tử vong, vì các bậc phụ huynh tự ý mua thuốc ngăn tiêu cho con uống. Thực tế, nhiều em bé ban đầu chỉ đi tiêu lỏng phân, sống phân, nhưng chưa biết nguyên nhân do đâu, các bà mẹ vội vàng mua thuốc kháng sinh cho con uống, dẫn đến tình trạng trẻ ngày càng suy kiệt vì bệnh không hết mà còn phát sinh chứng tiêu chảy kéo dài hoặc suy nhược cơ thể trầm trọng...”, bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) chia sẻ.

Theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc, điều cần thiết nhất là mỗi phụ huynh nên trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh để từ đó có cách chăm sóc và điều trị đúng hướng. Bệnh tiêu chảy ở trẻ được chia ra hai nhóm, gồm tiêu chảy cấp và kiết lị. Nhóm nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Trong đó, nhóm tiêu chảy cấp (tiêu chảy thông thường) chiếm từ 2/3 đến 3/4 tổng số ca mắc bệnh. Trong nhóm này, trẻ có biểu hiện đi phân lỏng, không có đàm và máu. Tiêu chảy cấp do siêu vi gây ra (chủ yếu là virus Rota, loại virus có trong môi trường). Tiêu chảy cấp chưa có thuốc chữa trị nên biện pháp duy nhất là bù nước, bù dinh dưỡng.

Với nhóm chứng kiết lị do vi trùng gây nên, các bậc phụ huynh có thể nhận ra bệnh khi thấy phân của trẻ có nhầy và máu. Phân có thể không nhiều nước nên một số phụ huynh nhầm tưởng đây không phải là tiêu chảy. Bệnh kiết lị có thể được điều trị bằng kháng sinh.

Ngoài ra, một số trẻ còn bị chứng tiêu chảy kéo dài. Chứng tiêu chảy này do các bệnh ở đường ruột hoặc chứng kém hấp thu (thức ăn hấp thu không hết gây tiêu chảy) gây nên. Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị tận gốc.Tất cả các trường hợp bị mắc bệnh, sau khi thăm khám, chỉ những trường hợp quá nặng mới phải vào viện, trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Loại thuốc tốt nhất có thể dùng để bù nước là dung dịch Oresol.

"Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại “nước” rất tốt, nên việc cho trẻ bú mẹ rất cần thiết. Phụ huynh cũng có thể cho trẻ uống thêm các loại nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt nguyên chất hoặc thêm rất ít đường, nước dừa tươi, nước chín. Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn", bác sĩ Hoàng Lê Phúc khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, kinh phí điều trị bệnh tiêu chảy tuy không cao nhưng mất nhiều thời gian và kìm hãm sự phát triển của trẻ. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống vaccine ngừa virus Rota gây tiêu chảy đồng thời phải giữ gìn vệ sinh ăn uống, đặc biệt không được ăn những đồ không được bảo quản tốt.
Để chăm sóc một trẻ bị tiêu chảy đúng cách, các bà mẹ cần làm tốt 3 nguyên tắc:

Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy.
Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để bù dinh dưỡng.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu trở sốt, mắt trợn ngược, đi tiêu toàn máu, nôn nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ