Bài học COVID: Giữ bàn tay sạch

COVID-19 đã dạy một bài học đích đáng về “bàn tay”

Thu hồi 2 sản phẩm hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm

Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ qua 5 bộ phim Bollywood độc đáo

Một số vấn đề sức khỏe sau khi mắc COVID-19

TP.HCM ghi nhận thêm 1 ca nhiễm biến thể Omicron

WHO phê duyệt thêm 2 phương thuốc mới điều trị COVID-19

Ở nhà, chính con trẻ nhắc nhở người lớn phải tập thói quen“bình thường mới”: rửa tay 5 bước, chứ không phải ngược lại như trước đây là người lớn nhắc con trẻ nữa. Các gia đình Việt Nam hiện nay đều tập như thế. Khi bàn tay của bạn sáng sủa, thì “bàn tay mù quáng” của con virus sẽ khó tiếp cận và giết chết bạn.

Mặc dù dịch bệnh không còn “vô phương cứu chữa” như hàng trăm năm trước, nhưng khoa học vẫn đến trễ hơn dịch bệnh một bước. Trong khi chờ, giữ tay sạch là nguyên tắc chống dịch từ xưa.

Ngay cả khi có vaccine ngừa bệnh, thì bàn tay vẫn là một công cụ “nghịch lý”, vừa truyền bệnh, vừa ngăn ngừa dịch bệnh. Dù thế nào, trong K, “K” đầu tiên đúng nhất là “khử khuẩn” cho bàn tay.

Bàn tay bẩn

Chính vì vậy, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, thuật ngữ triết học mà tôi ghét nhất là “bàn tay bẩn” do triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre của Pháp tạo ra qua tác phẩm “Những bàn tay bẩn” (Les Mains sales). Ý chính là “nếu bạn giữ bàn tay sạch, bạn sẽ không làm được việc gì”, bàn tay sạch là vô dụng. Thực tế cuộc sống là vậy. “Bàn tay bẩn” kể câu chuyện về vụ ám sát một đối thủ chính trị. Người được phân công băn khoăn liệu có nên hành động hay không? Nếu hành động thì bàn tay anh vấy máu, nhưng nếu không hành động thì kẻ ác -tức đối thủ chính trị kia- sẽ tiếp tục làm việc ác. Ở đây bàn tay như một ẩn ý triết học, nhưng thực ra, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải dùng bàn tay làm bao nhiêu việc, không thể tránh làm dơ tay…Bấm thang máy, mở cửa, chùi nhà, và…bắt tay. Tất cả hành động đó đều khiến bàn tay trở nên bẩn.

Tuy vậy, trong dịch bệnh thì càng giữ bàn tay sạch, theo nghĩa đen của từ này, chừng nào càng tốt chừng đó. (Tôi đã thử mang găng tay thường xuyên, nhưng thật bất tiện trong công việc hàng ngày, nên cuối cùng, cũng phải dùng bàn tay trần với nguy cơ “truyền bệnh” của chúng!).

Bàn tay vô hình

Thứ hai, tôi cũng ghét thuật ngữ “Bàn tay vô hình” về kinh tế do bậc thầy Adam Smith phát kiến. Bàn tay vô hình mô tả các lợi ích xã hội khổng lồ, là động lực mạnh mẽ tự thân thúc đẩy các hành động hoàn toàn tự nguyện của một cá nhân. Đây là khái niệm lần đầu tiên được đưa ra bởi Adam Smith trong cuốn “Lý thuyết về tình cảm đạo đức” (The theory of moral sentiments) , được viết vào năm 1759, khi ông đề cập đến vấn đề  phân phối thu nhập. Chính “bàn tay vô hình” đó thúc đẩy các hành vi lừa đảo tinh vi trong những ngày ai cũng mất thăng bằng vì dịch bệnh. “Bàn tay vô hình” cũng khiến Tân Hoàng Minh đẩy giá đất ở Thủ Đức cao vời vợi, làm méo mó thị trường đất vốn đã bất an. “Bàn tay vô hình” đã làm tỉ phú FLC bán chui hàng triệu cổ phiếu, làm hủy hoại sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam vốn còn non trẻ.

Cuối cùng, COVID-19, đã dạy một bài học đích đáng về “bàn tay”. Đó là một công cụ tuyệt vời, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng. Vì vậy, lúc nào, trước khi hay sau khi làm một việc gì, cũng nghĩ về chữ “sạch”.

Đầu năm mới, “Hãy giữ bàn tay sạch”, có lẽ là câu chúng ta nên chúc nhau.

 
Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa