Thế giới lần đầu vượt mức 3 triệu ca COVID-19/ngày vì Omicron

Thế giới lập kỷ lục về số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất trong suốt 2 năm đại dịch.

Thành phố nào trên thế giới hủy sự kiện đêm Giao thừa vì COVID-19?

Biến thể mới đã lan tới 63 quốc gia, Anh có ca tử vong đầu tiên vì Omicron

Nhìn lại thế giới đầy "hỗn loạn" trong năm 2021

"Siêu biến thể" Omicron đang lan ra nhiều quốc gia trên thế giới

Theo dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào 13/1 dựa trên thông tin chính thức thu thập được từ chính phủ các nước, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,395 triệu ca COVID-19 trong 24 giờ qua và số ca tử vong tăng 7.735.

Theo Tass, con số gần 3,4 triệu ca bệnh trong 24 giờ là mốc cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh diễn ra trong hơn 2 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên mà số ca COVID-19 trên thế giới vượt qua mốc 3 triệu ca/ngày.

Thông tin trên diễn ra trong bối cảnh, "siêu biến chủng" Omicron đang lây lan tại nhiều khu vực trên thế giới. WHO cho biết, chủng này đã lây ra khoảng 149 nước và vùng lãnh thổ. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy chủng này có thể có độc lực yếu hơn các chủng trước, nhưng có khả năng lây nhiễm vượt trội, vì vậy, nó vẫn ẩn chứa nguy cơ khiến hệ thống y tế các nước quá tải vì số lượng lớn bệnh nhân nhập viện.

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 12/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, dù Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta, nhưng nó vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng.

"Ở Châu Phi, hơn 85% người dân vẫn chưa được tiêm liều vaccine nào. Chúng ta không thể kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch trừ khi chúng ta thu hẹp khoảng cách này" - ông Tedros cho biết thêm.

Lãnh đạo WHO khẳng định dù vaccine vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa tử vong và bệnh nặng do COVID-19, nhưng vaccine không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm.

Phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới vì mắc COVID-19 đều chưa được tiêm chủng, và nếu không hạn chế việc lây nhiễm thì sẽ tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí có khả năng lây truyền cao hơn và gây tử vong nhiều hơn là Omicron.

Nhiều quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy

Nhiều nước đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do biến thể Omicron - Ảnh: AP

Nhiều nước đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do biến thể Omicron - Ảnh: AP

Với việc số ca nhiễm trên toàn cầu tăng vọt, nhiều quốc gia cũng đang báo cáo các con số kỷ lục với "thủ phạm" chính là biến thể Omicron.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 64,78 triệu ca mắc và hơn 868.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 421.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một mô hình dự báo của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tuần tới. Mô hình này dự báo, số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày tại Mỹ sẽ đạt mức đỉnh là 1,2 triệu ca vào ngày 19/1, sau đó sẽ giảm mạnh "đơn giản vì khi đó tất cả những người có thể nhiễm đã nhiễm". Lý do dịch bệnh giảm có thể là vì biến thể Omicron lây lan mạnh đến mức hết người lây nhiễm tại Mỹ chỉ trong 1,5 tháng kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/1, nước này ghi nhận tổng cộng gần 253.500 ca mắc COVID-19 mới. Đây là con số cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta gây ra vào cuối tháng 5/2021. Đến nay, tổng cộng trên 36,57 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 485.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 620.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Theo số liệu của Bộ Y tế Mexico, trong ngày 12/1, nước này ghi nhận tới 44.187 ca mới, mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Mexico chứng kiến "kỷ lục buồn" về số ca mới COVID-19. Cùng ngày, nước này có thêm 190 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc tại Mexico là hơn 4,2 triệu ca và đã có hơn 300.000 ca tử vong, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này.

Đức tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao kỷ lục trong 24 giờ qua. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 93.154 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch tới nay. Số ca tử vong tăng 261 ca. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày đã tăng lên 427,1/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 285,9 một tuần trước đó.

Đây cũng là tình trạng nước Australia phải trải qua sau khi gỡ bỏ dần các hạn chế và hướng đến sống chung với dịch. Hai tuần qua, số ca nhiễm mới tại đây lên đến gần 1 triệu. Trong ngày 13/1, Australia báo cáo hơn 147.000 ca nhiễm mới, với khoảng 92.000 trường hợp là ở bang New South Wales đông dân nhất nước.

Ngoài ra, số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục ở Châu Âu cũng được ghi nhận ở Croatia, Bồ Đào NhaIsrael.

Tại Châu Á, ngày 13/1, Nhật Bản ghi nhận 12.243 ca mắc COVID-19 mới, lần đầu vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày trong hơn 4 tháng qua, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Omicron. Cùng ngày, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 thêm một bậc, lên mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 mức. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2021, cảnh báo dịch ở thủ đô Tokyo ở mức cao thứ hai. 

Cũng như các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á đang phải ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Trong đó, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Philippines đã công bố chính sách "không tiêm chủng, không đi xe" ở vùng đô thị Manila, nơi đang áp dụng mức cảnh báo 3 hoặc có thể cao hơn khi số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến. Chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/1. Hành khách chưa được tiêm vaccine COVID-19 sẽ không được sử dụng giao thông công cộng ở khu vực thủ đô. Chính sách này áp dụng cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng đến, đi và di chuyển trong Vùng đô thị Manila.

Hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 13/1 đã công bố những dữ liệu nghiên cứu sơ bộ về loại vaccine ngừa COVID-19 mà hãng này phát triển - có tên gọi chính thức là vaccine Vaxzevria. nghiên cứu cho thấy khi tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của AstraZeneca có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước biến thể Omicron và những biến thể khác của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả các biến thể Beta, Delta, Alpha và Gamma.

Theo AstraZeneca, phản ứng gia tăng kháng thể được ghi nhận ở cả những trường hợp trước đó đã tiêm liều cơ bản bằng vaccine Vaxzevria hay vaccine bào chế theo công nghệ mRNA. Kết quả thử nghiệm mới nhất của AstraZeneca đã bổ sung những bằng chứng cụ thể hơn, cho thấy hiệu quả của mũi tiêm thứ ba của hãng không lệ thuộc vào các loại vaccine đã từng được sử dụng trước đó trong phác đồ tiêm chủng cơ bản.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn