WHO phê duyệt thêm 2 phương thuốc mới điều trị COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt thêm phương pháp điều trị COVID-19.

WHO cảnh báo về "cơn sóng thần" khi Delta và Omicron cùng ập đến

Omicron đang lây lan nhanh "chưa từng thấy", Campuchia đã có ca đầu tiên

WHO: Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn, làm suy yếu hiệu quả vaccine

Bộ Y tế cảnh báo những thận trọng khi sử dụng thuốc Molnupiravir

Hai phương pháp điều trị này gồm sử dụng thuốc điều trị viêm khớp có thành phần Baricitinib và sử dụng kháng thể tổng hợp Sotrovimab.

Theo Straitstimes, trong khuyến cáo được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh BMJ ngày 14/1, các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loại thuốc trị viêm khớp baricitinib được sử dụng cùng với corticosteroid để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc nguy kịch đưa đến tỷ lệ sống sót cao hơn và giảm nhu cầu sử dụng máy thở.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị điều trị bằng kháng thể tổng hợp Sotrovimab cho bệnh nhân có nguy cơ nhập viện cao nhất, như người già, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường. Sotrovimab do hãng dược GlaxoSmithKline (Anh) và công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology (Mỹ) hợp tác phát triển.

Theo WHO, lợi ích của Sotrovimab đối với bệnh nhân không có nguy cơ nhập viện được cho là không đáng kể, và hiệu quả của kháng thể tổng hợp này với biến thể mới như Omicron "vẫn chưa chắc chắn".

"Khi cả hai đều có sẵn, hãy chọn một loại dựa trên các vấn đề bao gồm chi phí và kinh nghiệm của bác sỹ lâm sàng", hướng dẫn của WHO cho biết.

Trước đó, WHO đã phê duyệt 3 phương pháp điều trị COVID-19, bắt đầu là thuốc kháng viêm corticosteroid cho bệnh nhân nặng vào tháng 9/2020. Corticosteroid không đắt, có sẵn phổ biến và chống lại chứng viêm thường đi kèm trường hợp nghiêm trọng.

Tiếp đó, thuốc trị viêm khớp tocilizumab và sarilumab, được WHO phê duyệt tháng 7/2021, là chất ức chế IL-6 ngăn chặn phản ứng quá mức nguy hiểm của hệ miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2. Baricitinib nằm trong một nhóm thuốc khác được gọi là chất ức chế Janus kinase, nhưng nó có cùng hướng dẫn với chất ức chế IL-6.

Tháng 9/2021, WHO phê duyệt kháng thể tổng hợp Regeneron và khuyến nghị mới nhất của WHO cho biết Sotrovimab có thể được sử dụng cho nhóm bệnh nhân có tình trạng tương tự.

Các khuyến nghị điều trị COVID-19 của WHO được cập nhật thường xuyên dựa trên dữ liệu mới từ các thử nghiệm lâm sàng.

Phương pháp điều trị mới được phê duyệt trong bối cảnh biến chủng Omicron khiến các bệnh viện trên khắp thế giới đạt công suất tối đa và WHO dự báo đến tháng 3 tới, một nửa dân số Châu Âu sẽ mắc biến chủng này.

 

Thuốc kháng thể Sotrovimab đã được cho phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ hồi tháng 5/2021 để ngăn chặn các trường hợp nhiễm COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình trở nặng. Hiện thuốc đang được dùng theo cách tiêm qua tĩnh mạch. Để tăng cường kho thuốc chữa COVID-19 mà cụ thể là chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Mỹ mua thêm 600.000 liều thuốc kháng thể Sotrovimab do công ty GSK và công ty nghệ sinh học Vir sản xuất.

Theo thông báo do công ty đưa ra ngày 11/1, lượng thuốc Sotrovimab mua thêm sẽ được giao trong quý đầu năm 2022. Ngoài Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu (EU) cũng đặt mua thuốc này. Trước đó, tháng 11/2021, Chính phủ Mỹ ký hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD để mua các liều Sotrovimab để kiểm soát dịch bệnh trong nước.

GSK và Vir dự kiến sẽ sản xuất khoảng 2 triệu liều Sotrovimab trên toàn thế giới trong nửa năm đầu của 2022.

Hiệp Nguyễn (Theo Straitstimes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin