Bệnh bại liệt: Không thể lơ là!

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1988 trên toàn cầu có khoảng 350.000 bệnh nhân bị mắc bệnh bại liệt nhưng đến năm 2013, sau thời gian 25 năm đã giảm xuống chỉ còn 417 trường hợp.

Từ đầu năm 2014 cho đến nay trên thế giới đã ghi nhận có 74 bệnh nhân bại liệt, trong đó 59 trường hợp phát hiện tại Pakistan. Các chuyên gia cảnh báo bệnh bại liệt đang quay trở lại và có nguy cơ đe dọa sức khỏe của cộng đồng khi chúng xuất hiện mà không có biện pháp ngăn chặn.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực Tây Thái Bình Dương tuyên bố đã thanh toán được bệnh bại liệt và vào thời điểm này Việt Nam cũng đã công bố thanh toán được bệnh bại liệt. Tuy nhiên do còn nhiều nước trên thế giới vẫn chưa thanh toán được bệnh bại liệt nên Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc phòng bệnh bằng vắc xin cho trẻ em cần được tiếp tục thực hiện. Trên thực tế hiện nay, mặc dù có một số bệnh truyền nhiễm đã tuyên bố thanh toán, công bố loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng nhưng sau một thời gian vắng bóng chúng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào khi miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống ở mức độ thấp. Nguy cơ bùng phát dịch với hậu quả nghiêm trọng là điều không thể lường trước được.

Bệnh bại liệt có nguy cơ quay trở lại theo khuyến cáo của WHO (ảnh internet minh họa)
Bệnh bại liệt có nguy cơ quay trở lại theo khuyến cáo của WHO (ảnh internet minh họa)

Đặc điểm của bệnh bại liệt

Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây nên. Bệnh cảnh lâm sàng được biểu hiện bởi triệu chứng sốt nhẹ, tiêu chảy và liệt mềm cấp tính; khi bệnh nhân đã bị liệt thì hết sốt.

Bệnh bại liệt được lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vi rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng nguồn thực phẩm ăn uống, sau đó lan vào hạch mạc treo rồi đến hệ thần kinh.

Dấu hiệu liệt thường xuất hiện khi có các tổn thương bất chợt sau tiêm chích và chỉ xuất hiện khoảng 1% ở những người bị nhiễm vi rút. Thực tế ghi nhận người bệnh có triệu chứng đau cơ trước khi bị liệt.

Triệu chứng liệt do bệnh bại liệt là loại liệt mềm, không đối xứng và thường bị liệt ở chân nhiều hơn ở tay. Nếu bị liệt cơ hô hấp dễ dẫn đến tử vong.

Có khoảng 1% số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não nước trong. Thực tế ghi nhận có đến 90% các trường hợp nhiễm virus bại liệt thường ở thể ẩn, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Phòng bệnh bằng vắc xin

Bệnh bại liệt có thể chủ động phòng ngừa bằng cách sử dụng vắc xin phòng bệnh. Có hai loại vắc xin là vắc xin sống giảm độc lực gọi là Sabin và vắc xin tiêm gọi là Salk.

Vắc xin Sabin uống có tên chung là vắc xin bại liệt uống OPV (oral polyomyelitis vắc xine) với tên thương mại là Polio Sabin (type 1, 2, 3) + Neomycin sulfate 5µg/liều, có thời gian bảo vệ hơn 10 năm. Sử dụng vắc xin Sabin uống phòng bệnh bại liệt theo quy định lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Thường dùng 3 lần theo lịch cùng với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván vào lúc trẻ được 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi.

Uống hay tiêm vắc xin bại liệt đều hiệu quả (ảnh internet minh họa)
Uống hay tiêm vắc xin bại liệt đều hiệu quả (ảnh internet minh họa)

Vắc xin bại liệt dạng tiêm có tên chung là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV (inactivated polyomyelitis vaccine) với tên thương mại là IPOL (type 1, 2, 3), có thời gian bảo vệ nhiều năm. Vắc xin cũng được sử dụng theo lịch quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng, có nghĩa là dùng 3 lần theo lịch cùng với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván vào lúc trẻ được 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Nên nhớ rằng chỉ dùng vắc xin bại liệt tiêm cho các đối tượng trẻ không uống được vắc xin Sabin.

Tác dụng phụ đối với vắc xin bại liệt được ghi nhận khoảng dưới 1% số trường hợp sau khi sử dụng; có thể thấy xuất hiện dấu hiệu nhức đầu, tiêu chảy hoặc đau cơ. Thực tế đã cho thấy đã có những trường hợp bị liệt mềm cấp tính sau khi uống vắc xin Sabin; tỷ lệ nguy cơ này chỉ chiếm khoảng 1/5 triệu liều vắc xin uống. Những phản ứng phụ và tai tiến sau khi dùng vắc xin cần phải được các đơn vị y tế dự phòng ghi nhận, thông báo ngay cho văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia và Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế biết để theo dõi, chỉ đạo.

Chống chỉ định sử sụng vắc xin bại liệt uống Sabin cho các trường hợp trẻ đang bị sốt, đang bị nôn hoặc tiêu chảy; đang được điều trị bằng các thuốc corticoides, các thuốc gây suy giảm miễn dịch hoặc tia xạ. Đồng thời cũng chống chỉ định dùng cho đối tượng mắc các bệnh ác tính như u lympho, bạch cầu cấp, Hodgkin, giảm gammaglobulin máu; phụ nữ có thai trong 4 tháng đầu. Không nên uống vắc xin Sabin cùng thời điểm với vắc xin thương hàn uống. Đối với những trường hợp có nguy cơ bị phơi nhiễm nhưng không dùng được vắc xin Sabin uống như trẻ bị nhiễm HIV thì có thể thay bằng vắc xin bại liệt bất hoạt IPV tiêm.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất