Lá olive và những công dụng cho sức khoẻ

Cây olive bao gồm quả, lá mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ con người.

Chế độ ăn Địa Trung Hải kết hợp dầu olive giảm nguy cơ ung thư vú

Dầu olive có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do chứng mất trí nhớ

Dùng dầu olive thế nào để tốt cho tim và não bộ?

5 lầm tưởng phổ biến về dầu olive

Lá olive từ lâu đã được ứng dụng trong các bài thuốc cổ của phương Tây. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, hợp chất oleuropein có trong lá olive mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khoẻ. Oleuropein được cho là có đặc tính chống oxy hoá, chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus và thậm chí có thể chống lại ung thư. Cụ thể, lá olive mang lại những lợi ích sau:

1. Giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of Medicinal Food năm 2012, lá olive có thể mang lại lợi ích tiềm năng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 hiệu quả. Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trên gần 80 người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2 và cho thấy, những người dùng chiết xuất lá olive trong 14 tuần đã cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, có thể là do giảm hấp thụ tinh bột. Mặc dù nghiên cứu này còn hạn chế về quy mô, nhưng kết quả của nó phù hợp với các nghiên cứu khác trên động vật và trong ống nghiệm.

Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học (Scientific Reaseach) năm 2019 cũng cho thấy, oleuropein và các chất chống oxy hóa khác trong chiết xuất lá olive có thể tăng cường tiết insulin và tăng lượng glucose được các tế bào hấp thụ để nó không tồn tại và làm thay đổi lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, chiết xuất lá olive không dùng để thay thế các phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn cho bệnh đái tháo đường. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách quản lý và điều trị đúng cách, bất kể ở trong tình trạng sức khoẻ nào.

2. Giúp hỗ trợ sức khoẻ tim mạch

Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp được thực hiện năm 2021 và đăng tải trên tạp chí khoa học PeerJ đã xem xét tác động của chiết xuất lá olive đối với người lớn trong giai đoạn tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp. Đánh giá này đã phân tích dữ liệu từ năm thử nghiệm lâm sàng, bao gồm tổng cộng 325 người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 80. Kết quả cho thấy, chiết xuất lá olive có khả năng giúp hạ huyết áp tâm thu, giảm nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL cholesterol) và cải thiện các dấu hiệu sinh học của viêm nhiễm.

3. Giúp chống lại nhiễm trùng do virus

Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều ghi nhận khả năng kháng virus đáng kể của chiết xuất lá olive, đặc biệt là đối với hoạt chất oleuropein. Cơ chế tác động đa diện của oleuropein, bao gồm ức chế sự xâm nhập và nhân lên của virus, cùng với khả năng tăng cường miễn dịch, đã mở ra triển vọng ứng dụng chiết xuất lá olive trong phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm virus. Mặc dù các nghiên cứu tiền lâm sàng và một số thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ đã mang lại kết quả khả quan, nhưng vẫn cần tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn hơn để xác định rõ ràng hiệu quả, liều lượng và độ an toàn của chiết xuất lá ô liu trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến virus, bao gồm cả SARS-CoV-2.

Một số tác dụng phụ của chiết xuất lá olive

Tác dụng phụ thường gặp

Các nghiên cứu về tác dụng phụ của chiết xuất lá olive hiện vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy sản phẩm này có khả năng gây ra các phản ứng phụ không mong muốn, đặc biệt đối với hệ tiêu hóa. Cụ thể, các tác dụng phụ thường gặp bao gồm kích ứng dạ dày, tiêu chảy, trào ngược acid và ợ nóng, nhất là ở những đối tượng đã có tiền sử mắc các vấn đề về đường tiêu hóa. Do đó, người dùng nên thận trọng và tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Những cây thuộc họ Oleaceae như tần bì, liên kiều, hoa nhài, hoa tử đinh hương và đinh tán, có thể gây ra các phản ứng dị ứng đường hô hấp nghiêm trọng. Nếu bạn đã từng có tiền sử dị ứng với các loại cây này, rất có thể bạn cũng sẽ nhạy cảm với chiết xuất lá olive.

Các biểu hiện dị ứng có thể bao gồm: ngứa, hắt hơi, sổ mũi, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ trong trường hợp nghiêm trọng. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào chứa chiết xuất lá olive, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dị ứng để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng.

Chiết xuất lá olive có thể gây kích ứng, dị ứng với một số người.

Chiết xuất lá olive có thể gây kích ứng, dị ứng với một số người.

Một số lưu ý khi sử dụng chiết xuất lá olive

Chiết xuất lá olive có khả năng tương tác với một số loại thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc huyết áp (cho người hạ huyết áp) và thuốc điều trị đái tháo đường. Việc sử dụng đồng thời chiết xuất lá olive với các loại thuốc này có thể dẫn đến tình trạng hạ huyết áp hoặc hạ đường huyết nghiêm trọng.

Đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư, việc sử dụng chất chống oxy hóa như chiết xuất lá olive trong quá trình hóa trị vẫn còn nhiều tranh cãi. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy lợi ích nhất định, nhưng cũng có những lo ngại về khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Phụ nữ mang thai và cho con bú nên thận trọng khi sử dụng chiết xuất lá olive do thiếu thông tin về độ an toàn. Tương tự, việc sử dụng sản phẩm này cho trẻ em cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, liều lượng chiết xuất lá olive hiện chưa có quy định cụ thể do thiếu các nghiên cứu sâu rộng và thực tế đây không phải là chất dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày. Các nghiên cứu trước đây thường sử dụng liều lượng dao động từ 500mg đến 1000mg mỗi ngày, thậm chí có trường hợp lên tới 100mg/kg mỗi ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người dùng nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

 
Hà Chi (Theo VeryWellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất