Bệnh sốt xuất huyết giảm chậm, tay chân miệng vào mùa

Dấu hiệu cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng trầm trọng

Phòng chống sốt xuất huyết còn lơ là

Sốt xuất huyết và tay chân miệng là 2 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng trên diện rộng nếu không có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Mặc dù từ đầu năm đến nay, ngành y tế TPHCM đã nỗ lực triển khai các biện pháp dự phòng để ngăn chặn sự lưu hành của bệnh sốt xuất huyết nhưng tình hình bệnh vẫn còn phức tạp.

Báo cáo của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố tại cuộc họp giao ban quận huyện sáng 6/5 cho thấy, từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 3.757 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Tính riêng trong tháng 4/2015, số bệnh nhân sốt xuất huyết là 496 ca. Nếu so với cùng kỳ năm trước bệnh đã tăng 19% nhưng so với tháng 3/2015 bệnh đang có xu hướng giảm chậm.

 

Ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt Đới

Hiện còn 7 phường xã tại các quận huyện thuộc Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 8 là điểm nóng của sốt xuất huyết khi để xảy ra tình trạng 4 tuần liên tiếp có ca bệnh. Theo nhận định của BS Nguyễn Trí Dũng, thời tiết khu vực Nam Bộ đang ở giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa nên đây sẽ là đáy của bệnh sốt xuất huyết trong năm 2015.  

Dự kiến khi bước vào mùa mưa, bệnh sẽ gia tăng nhanh, để chủ động các biện pháp phòng chống, thời gian qua Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã chủ động đi kiểm tra thực tế công tác phòng bệnh tại các quận huyện đã phát hiện nhiều yếu kém. Tại Bình Chánh, vấn đề giám sát ổ bệnh không chặt chẽ đã dẫn đến bỏ sót chùm ca bệnh gia tăng nguy cơ lây lan cho cộng đồng; tại Thủ Đức công tác xử lý ổ dịch không đạt, việc tuyên truyền vận động ý thức phòng chống dịch bệnh ở nhiều quận huyện còn lơ là.

Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4/2015 bệnh tay chân miệng đã bắt đầu gia tăng để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng nhanh vào khoảng tháng 5 và tháng 6. Theo phân tích của BS Nguyễn Trí Dũng, đây là sự gia tăng theo mùa và mang tính chu kỳ của bệnh. Trong 4 tháng đầu năm nay, bệnh tay chân miệng không “nóng” như năm trước khi tổng số ca bệnh đã giảm 28% (2.139 so với 2.988).

Tuy nhiên, trong tháng 4, bệnh có dấu hiệu tăng nhanh khiến 631 trẻ phải nhập viện, với nhiều ca bệnh nặng. Tay chân miệng là loại bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp và lây qua đường tiêu hóa, bệnh chưa có vắc xin chủng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, trong thời tiết nắng nóng bệnh sẽ rất dễ phát tán trên diện rộng khiến công tác kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn.  

 

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Nhi Đồng 2

Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo, các bậc phụ huynh và cán bộ ngành y tế không được chủ quan với loại bệnh này. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận điều trị bệnh nhân truyền nhiễm phải thực hiện nghiêm túc việc thống kê, báo cáo hàng tuần để sở giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh, có phương án xử lý kịp thời đối với những loại bệnh nguy cơ cao.

Riêng bệnh tay chân miệng đang rục rịch vào mùa dịch, ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, các cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ cần thực hiện triệt để việc vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi của trẻ, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Rửa tay của trẻ và người chăm sóc trẻ thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ; cho trẻ ăn chín, uống chín; không cho trẻ ăn chung, uống chung bát (chén), ly, đũa, muỗng hoặc dùng chung khăn… Khi phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần cách ly, điều trị kịp thời đến khi khỏi bệnh hoàn toán để tránh nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ khác.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trang chủ