Cỏ lúa mì và hành trình "không cam chịu" của Ann Wigmore

"Bệnh tật ư? Sao phải cam chịu" là cuốn sách đầu tiên của Ann Wigmore trong lĩnh vực sức khỏe

Những chính sách liên quan đến người lao động có hiệu lực từ năm 2021

Tự sự của trái tim: Thay đổi lối sống để tự cứu lấy chính mình

Áp dụng lý thuyết cú hích vào lĩnh vực sức khỏe

Hệ miễn dịch: Phương thuốc mạnh mẽ nhất của cơ thể

Từ Litva đến Mỹ

Bệnh tật ư? Sao phải cam chịu (tên gốc: Why suffer?) là câu chuyện về cuộc đời của Ann Wigmore từ khi là một cô bé ốm yếu, sống tại một vùng quê Litva giữa Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Cha mẹ rời quê hương sang Mỹ khi Ann mới lọt lòng, cô bé lớn lên nhờ sự cưu mang và dạy bảo của người bà không hề có quan hệ máu mủ. Bà của Ann là một người phụ nữ có tiếng nói trong vùng nhờ “phép màu chữa lành kỳ diệu”.

Trước khi trở thành người sáng lập Viện Sức khỏe Hippocrates, Ann Wigmore đã trải qua vô vàn biến cố. Bà theo người cậu mắc ung thư vượt Đại Tây Dương tới Mỹ tìm cha mẹ, chỉ để nhận được sự ngược đãi của người cha ngạo mạn. Bà phải chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng gia trưởng, đến khi bị đuổi khỏi nhà ngay khi con gái bà vào Đại học. Nhờ đó, bà dành thời gian tham gia hoạt động cộng đồng, nghiên cứu về cỏ lúa mì và thành lập “Chốn Trú chân” để giúp đỡ người bệnh. Đây cũng là nơi bà qua đời vì ngạt khói trong một vụ chập điện vào năm 1994.

Trắc trở là vậy, cuộc đời Ann Wigmore lại tràn đầy những phép chữa lành nhiệm màu. Đặc biệt, tuổi thơ bên người bà ở vùng đồng quê hòa hợp với thiên nhiên có lẽ đã đặt nền móng cho phương pháp chữa lành của Ann Wigmore sau này.

Lộ trình cỏ lúa mì của Ann

Không ai có thể ngờ rằng, người phụ nữ gốc Litva này đã thay đổi nhiều quan niệm của người Mỹ về mối quan hệ giữa thực phẩm và sức khỏe.

Với kinh nghiệm chăm sóc người bệnh và thương binh ở quê nhà, Ann Wigmore có niềm tin mãnh liệt vào mẹ Thiên nhiên và sức mạnh của các loại cỏ. Khi tới Mỹ, bà đã gặp một tai nạn xe khiến cả hai chân bị gãy và có nguy cơ hoại tử phải cắt bỏ. Theo lời kể của Ann, bà đã tự chữa đôi chân hoại tử của mình bằng cách phơi nắng, ăn rau xanh, cỏ dại trong sân nhà và để một chú cún con liếm chân mình. Vài tháng sau, xương của bà đã hoàn toàn liền lại và không còn dấu hiệu hoại tử.

Theo lời Ann, nước ép cỏ lúa mì có thể chữa lành cho nhiều bệnh nhân ốm liệt giường

Đây không phải phép màu duy nhất trong hành trình chữa lành của Ann. Dù chưa từng được thụ hưởng nền giáo dục chính thống, bà Wigmore đã tự nghiên cứu Kinh thánh và nhiều tài liệu để tìm ra liệu pháp cỏ lúa mì. Hạt lúa mì nảy mầm thành cỏ lúa mì, dùng để ép thành “nước diệp lục” mà người bệnh sử dụng hàng ngày. Bà không dừng lại ở kết luận: Nước ép cỏ lúa mì không làm trầm trọng thêm các bệnh trong cơ thể. Ann Wigmore thử nghiệm nhiều lần để chứng minh công dụng chữa lành của liệu pháp cỏ lúa mì cũng như chế độ ăn thực phẩm tươi sống. Bà đã giúp vô số người tưởng chừng hết hy vọng sống lấy lại sức khỏe, dù họ mắc các bệnh mạn tính như đa xơ cứng, viêm khớp, đái tháo đường và thậm chí là ung thư.

Với giọng văn tự sự ở ngôi thứ nhất, những thông tin về tác dụng của cỏ lúa mì mà Ann Wigmore nêu ra rất khó kiểm chứng, đồng thời thiếu đi những tác dụng phụ mà cỏ lúa mì có thể gây ra (ví dụ như chứng dị ứng với lúa mì). Những trang viết về cuộc đời bà mang nhiều chi tiết nhiệm màu như cổ tích. Điều này không có nghĩa Bệnh tật ư? Sao phải cam chịu là hư cấu. Tuy nhiên, người đọc cần hiểu rằng, tuổi thơ khó khăn tại miền quê đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của Ann Wigmore vào khả năng chữa lành của cây cỏ, đặc biệt là cỏ lúa mì.

Ann Wigmore và Viện Sức khỏe Hippocrates có chung một nguyên tắc: Tránh khái niệm “chữa bệnh” khi nói về tác dụng của các liệu pháp cỏ lúa mì, thực phẩm tươi sống hay phép vi lượng đồng căn. Tuy nhiên, sự màu nhiệm trong những tác phẩm của bà phần nào tạo ra cơn sốt của phong trào cỏ lúa mì hay “thuận tự nhiên” cực đoan tại phương Tây trong những năm gần đây. Nhiều bệnh nhân ung thư đã bỏ qua thời điểm vàng điều trị để chạy theo phương pháp thuận tự nhiên, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Ann Wigmore đã thấm thía rằng: “Trong nhiều trường hợp, kỹ năng của người bác sỹ được đào tạo bài bản chính là thứ quyết định sự sống hay cái chết, cơ thể lành lặn khỏe mạnh hay tật nguyền”.

Triết lý của bà rất giản đơn: “Sức khỏe của mỗi người do chính người đó quyết định”. Lối sống bê trễ, chế độ ăn chủ yếu từ thực phẩm chế biến sẵn và lười vận động là nguồn cơn của mọi sự mất cân bằng trong cơ thể. Phương pháp chữa lành của Ann Wigmore còn sử dụng sức mạnh tinh thần và tín ngưỡng để khơi dậy khát vọng sống, dù là le lói nhất ở người mang bệnh. Ann Wigmore không cam chịu bệnh tật, cũng không cam chịu những quan điểm lạc hậu, gia trưởng đè nén người phụ nữ trong xã hội phương Tây thế kỷ trước.

Cuốn Bệnh tật ư? Sao phải cam chịu do Thái Hà Books phát hành.

Giá bìa: 99.000 đồng.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa