Các dạng u nang buồng trứng thường gặp:
U nang cơ năng: Là những khối u phát sinh do rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng, về mặt giải phẫu bệnh tổ chức buồng trứng không có thay đổi.
Nang bọc noãn: Nang trứng chín không vỡ, không rụng trứng. Nang này tiếp tục lớn lên, có thể to trên 10cm, tiếp tục chế tiết oestrogen làm bệnh nhân chậm kinh. Khi nang vỡ đôi có thể gây chảy máu nhiều trong ổ bụng cần phải mổ cấp cứu.
Nang hoàng tuyến: Hay gặp ở bệnh nhân chửa trứng, ung thư nguyên bào nuôi, đa thai, bệnh nhân điều trị vô sinh.
U nang thực thể: Ở những khối u này thực sự có biến đổi về tổ chức học buồng trứng, vì vậy đây là những khối u có nguy cơ ung thư hóa:
U nang nước buồng trứng là dạng hay gặp nhất, chiếm khoảng 40% các khối u nang buồng trứng. Nếu trên bề mặt u có các mạch máu tăng sinh hình lược, hay có các nhú trên bề mặt hoặc trong lòng u là những dấu hiệu nghi ngờ ung thư hóa. U nang nhày buồng trứng: chiếm khoảng 20% các khối u buồng trứng, u thường to, có thể đến vài chục kg, thường hay dính vào các tổ chức xung quanh.
U nang bì buồng trứng: chiếm khoảng 25%, thường gặp u quái, tổ chức u rất đặc biệt, thành khối u có cấu trúc tương tự như da, có lớp sừng, tuyến bã..., bên trong nang thường chứa tóc, răng, bã đậu...
Lạc nội mạc tử cung dạng u nang: Tổ chức nội mạc tử cung phát triển ngay trên bề mặt buồng trứng, gây phá hủy tổ chức buồng trứng lành. Nang thường nhỏ, vỏ mỏng, dính vào các tổ chức xung quanh, bên trong chứa đầy dịch màu chocolate. U thường gây đau, dính nhiều làm tắc vòi trứng gây vô sinh.
Các biến chứng của u nang buồng trứng
Các biến chứng này có thể xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc từng bệnh nhân, nhiều trường hợp biến chứng là cơ hội chẩn đoán bệnh:
Xoắn u nang: Có thể xảy ra với bất kỳ loại u nào, những u nhỏ, có cuống dài, không dính là những u dễ bị xoắn. Khi u xoắn bệnh nhân đau bụng dữ dội, liên tục, có thể buồn nôn, nôn, đôi khi có thể choáng vì đau. Bụng trướng, ấn đau hạ vị và 2 hố chậu, có phản ứng thành bụng. Thăm âm đạo thấy khối u rất căng, ít di động, ấn đau chói.
Vỡ nang: Bệnh nhân thường đau bụng đột ngột, liên tục, hạ vị và 2 hố chậu ấn đau, có phản ứng. Một số trường hợp vỡ nang gây chảy máu trong, bệnh nhân có thể choáng mất máu. Thăm âm đạo thấy khối u khó xác định, di động tử cung đau, cùng đồ sau đầy, đau. Thường xảy ra sau khi vỡ nang, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, bụng trướng, có thể có cảm ứng phúc mạc, thăm âm đạo thấy u dính, ít di động, ấn đau.
Chèn ép các tạng xung quanh: Biến chứng này thường muộn, khi u đã phát triển lâu, kích thước lớn. U chèn ép bàng quang gây đái dắt, chèn ép trực tràng gây táo bón, đôi khi chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận, thậm chí có những khối u buồng trứng rất lớn chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây tuần hoàn bàng hệ, phù 2 chi dưới, cổ trướng. Ung thư hóa có thể xuất hiện ở nang nước.
Phẫu thuật u nang khi nào?
Cần phân biệt u nang cơ năng và u nang thực thể vì hai loại u này có thái độ xử trí rất khác nhau. Các u nang cơ năng thường không cần điều trị, tự mất đi sau vài vòng kinh. Có thể cho bệnh nhân dùng thuốc tránh thai kết hợp để điều trị u nang cơ năng, tuy nhiên, hiệu quả chưa rõ ràng. Đôi khi các u nang cơ năng cũng có biến chứng như xoắn nang, vỡ nang chảy máu... đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu, nhưng thường hiếm gặp.
Ngược lại, các u nang thực thể khi được phát hiện cần mổ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng. Tùy theo kích thước và tính chất khối u cũng như nguyện vọng sinh đẻ của bệnh nhân mà chọn phương pháp phẫu thuật triệt để cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bên bệnh hay chỉ bóc tách khối u để lại phần buồng trứng lành, mặc dù bóc tách khối u có thể làm tăng nguy cơ tái phát u nang buồng trứng.
Bình luận của bạn