Bệnh viêm não mô cầu khó phát hiện sớm, các nốt tử ban, co giật hoặc mê sảng, nôn ói xuất hiện ở giai đoạn nặng. Ảnh: PNVN.
Trẻ đã tiêm vaccine viêm não Nhật Bản sao vẫn mắc bệnh?
Bé trai bị rạch dao lam để vẽ bùa chữa viêm não Nhật Bản
TP.HCM xuất hiện viêm não mô cầu: Làm gì để phòng tránh?
Nên chọn tiêm vaccine viêm não mô cầu nào cho trẻ?
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, dịch viêm não mô cầu thường gia tăng vào mùa đông xuân. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh thường gặp ở người trẻ.
Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó phổ biến nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 đến 20%. Tỷ lệ tử vong từ 8 đến 15%.
Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn Neisseria meningtidis ở mũi, hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng (tức là người lành mang trùng) chiếm từ 5% đến 25%. Tỷ lệ này cao hơn tại các khu vực có ổ dịch. Các ca nhiễm mới thường được ghi nhận ở nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại... Nhóm dễ mắc bệnh nhất là người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương quanh năm, thường gặp nhất vào mùa đông - xuân.
Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit, người ta phân chia vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningtidis thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó 6 nhóm có khả năng gây thành dịch gồm A, B, C, W-135, X, Y . Vi khuẩn này có sức đề kháng yếu, khi ở ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 56 độ C trong 30 phút hoặc ở 60 độ C trong 10 phút. Chúng dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.
Trong tự nhiên, ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu là cơ thể người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (bệnh nhân và người lành mang trùng). Đường lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh ra kháng thể miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.
Một người được xem là nghi mắc bệnh do não mô cầu khi có triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn. Trường hợp được chẩn đoán xác định là mắc bệnh khi có những triệu chứng nghi ngờ đồng thời xét nghiệm thấy vi khuẩn trong dịch não tủy hoặc máu, dịch tử ban.
Biểu đồ số ca mắc và tử vong do bệnh viêm não mô cầu từ năm 2011 đến 2016 theo số liệu của Cục Y tế dự phòng. |
Trước kia, viêm não mô cầu dễ gây thành dịch lớn với số ca nhiễm bệnh và tử vong cao. Hiện nay số nhiễm bệnh có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến đầu năm nay, cả nước có trên 610 ca nhiễm bệnh. Trong đó, năm 2011 số lượng người mắc nhiều nhất là 272.
Hiện nay tại các ổ dịch được ghi nhận, Cục Y tế Dự phòng đều giao Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân; đồng thời thực hiện các biện pháp dự phòng không để dịch lan rộng.
Để phòng bệnh viêm não và màng não do não mô cầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Dọn dẹp vệ sinh nơi ở và nơi làm việc để đảm bảo môi trường thông thoáng. Tiêm vaccine cho cả người lớn và trẻ từ 2 tuổi trở lên. Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh do não mô cầu nhóm A, B, C, Y, W-135. Khi thấy một người có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng... cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn