Cảnh giác khi trẻ bỗng dưng sốt cao, co giật
Bệnh nhi N.D.M (6 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) được gia đình đưa vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong tình trạng sốt cao đùng đùng, co giật, hôn mê. Nghi ngờ hội chứng não mủ, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy ngay trong đêm và kết quả khẳng định, bé bị viêm màng não mủ do vi khuẩn chứ không phải viêm màng não virus đơn thuần.
Mẹ bệnh nhi cho biết, cả tuần nay bé bị viêm đường hô hấp, ho, mũi dãi nhiều, chỉ hâm hấp sốt nên chị chỉ cho con uống hạ sốt, rửa mũi, thuốc ho. Bỗng dưng đến tối hôm ấy, con sốt tới 40,7 độ C, hạ sốt không nổi, gia đình vội đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hiện Khoa đang có 4 ca viêm màng não mủ đều do biến chứng từ viêm tai, viêm đường hô hấp kéo dài, trong đó có 2 ca phải chuyển sang viện Nhi Trung Ương do liên quan với phẫu thuật. Có bệnh nhi bị viêm tai tái đi tái lại nhiều lần gây viêm tai xương chũm, chảy mủ tai, nhưng cũng có những cháu bị viêm màng não mủ ngay trong đợt cấp của viêm tai; có những cháu bội nhiễm viêm đường hô hấp kéo dài, bỗng dưng sốt cao, co giật, hôn mê.
Nguyên nhân là do khi bị viêm đường hô hấp, xuất tiết có đờm, xổ mũi, trẻ lại không biết khạc nhổ, xỉ mũi cho sạch, bố mẹ cũng không biết làm vệ sinh đường mũi họng cho trẻ. Vì thế vô hình chung tạo thành một vòng tròn quẩn, dịch bị ứ đọng lại mũi thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tiếp tục sinh sôi nảy nở. Rồi từ ổ viêm này, nó có thể tấn công xuống họng, tai, gây viêm họng, viêm tai giữa, gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não mủ nguy hiểm.
Do ở trẻ em, vòi nhĩ (nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng, nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai. Vì thế, khi bị viêm mũi họng mà không được điều trị triệt để, vệ sinh mũi họng sạch sẽ, bé thường bị biến chứng gây viêm tai giữa và có thể gây biến chứng viêm màng não mủ nguy hiểm như trên.
Khó phân biệt
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, cứ đến dịp hè lại xuất hiện bệnh nhân viêm màng não, chủ yếu là do vi rút. Tuy nhiên mấy ngày nay có hiện tượng chồng chéo giữa viêm màng não do vi rút và viêm màng mủ do vi khuẩn, vì thế các bác sĩ phải rất cảnh giác trong chẩn đoán phân biệt, bởi hai thể bệnh với hai phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau. Nhất là với viêm màng não mủ, nếu phát hiện điều trị muộn có thể để lại những di chứng thần kinh nặng nề cho trẻ suốt đời.
TS Dũng cho biết, viêm não, màng não do vi rút, vi khuẩn không có dấu hiệu điển hình mà biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Thường bệnh nhân có những triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt hay có những trẻ cũng không biểu hiện những triệu chứng đó. Vì thế, ở thời điểm này, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi, khám thực thể xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ toàn thân không… để quyết định chọc dịch não tủy chẩn đoán xác định.Giữu hai bệnh viêm màng não vi rút và và màng não mủ do vi khuẩn cũng không có những dấu hiệu phân biệt, mà để xác định được nguyên nhân do vi rút hay vi khuẩn mà buộc phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định nguyên nhân.
Theo BS Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi (BV Bạch Mai), thân nhân bệnh nhi có một tâm lý chung, đó là khi bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi viêm não, viêm màng não đều rất hoang mang lo lắng. Nhiều gia đình băn khoăn trước chỉ định chọc dịch não tủy vì sợ ảnh hưởng đến não trẻ. Thực tế, đây là xét nghiệm mang tính quyết định để xác định bệnh nhân viêm não hay không, do tác nhân vi rút hay vi khuẩn. Việc phân biệt, xác định nguyên nhân là yếu tố căn bản quyết định đến hướng điều trị cho bệnh nhân.
“Nếu bỏ qua chẩn đoán này rất nguy hiểm, bởi trẻ hoàn toàn có thể bị viêm màng não, viêm não do vi khuẩn. Với thể viêm não, màng não do vi khuẩn, chỉ sau một đến hai ngày bị viêm não, bệnh đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu cứu được cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề về thần kinh”, BS Nam nói.
TS Dũng cũng khẳng định, để phân biệt giữa viêm màng não virus và viêm màng não mủ phải xét nghiệm dịch não tủy. Viêm màng não mủ phát hiện sớm vô cùng quan trọng, dùng kháng sinh đặc hiệu càng sớm càng tốt sẽ giảm nguy cơ di chứng thần kinh. Tại khoa, các xét nghiệm dịch não tủy nhiều khi được lấy, thực hiện ngay trong đêm để kịp thời chẩn đoán phân biệt, điều trị sớm cho bệnh nhân.
Bình luận của bạn