Theo Bộ Tài chính, với năm doanh nghiệp (DN) có sản phẩm sữa áp giá trần, việc xác định giá bán buôn (bán sỉ) với các sản phẩm sữa còn lại không có trong danh mục sẽ được căn cứ trên phương pháp lựa chọn loại sản phẩm đã được áp giá có sự tương đương về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng, giá cả… Tương tự, các hãng sữa không có sản phẩm trong danh mục cũng lựa chọn các mặt hàng sữa tương đương như trên để định giá bán buôn cho sản phẩm của mình để gửi Bộ Tài chínhphê duyệt.
Liên quan đến việc lo ngại một số hãng sữa “lách luật” bằng cách thay đổi trọng lượng sữa hay mẫu mã sản phẩm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ cũng đã quy định rõ trong Công văn 6544/BTC-QLG ngày 20/5 (Hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi). Theo đó, trường hợp thay đổi chênh lệch về trọng lượng, giá của sữa trong bao bì mới sẽ được xác định lại dựa trên công thức: giá bán buôn tối đa của sản phẩm x trọng lượng của sản phẩm sữa cần xác định/trọng lượng của sản phẩm sữa đã lựa chọn. Như vậy, sẽ không có chuyện, trọng lượng sữa thay đổi mà mức giá vẫn giữ nguyên.
Bộ Tài chính đảm bảo: không có chuyện trọng lương sữa thay đổi mà mức giá vẫn giữ nguyên.
Nếu DN sữa thay đổi thành phần sữa hay quy cách đóng gói, mẫu mã… việc xác định giá bán buôn tối đa sẽ được tính như một sản phẩm sữa mới và được định giá lại.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, dù đã gửi văn bản tới các đơn vị quản lý giá ở khâu nhập khẩu, lưu thông… song không thể phát hiện được hết các trường hợp vi phạm. Vì vậy, Bộ Tài chính khuyến nghị người tiêu dùng (NTD) nên lựa chọn cửa hàng bán đúng giá và hoan nghênh các trường hợp phát hiện. Khi có kiến nghị từ NTD, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra, quản lý.
Ngoài ra, theo quy định mới, giá bán lẻ tối đa đến NTD được xác định bằng giá bán buôn tối đa cộng các chi phí hợp lý khác có liên quan, nhưng tối đa không quá 15% trần bán buôn. Bộ Tài chính nhấn mạnh, tỷ lệ 15% này là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.Trên thực tế, các DN có thể quyết định tỷ lệ này ở mức thấp hơn để tăng tính cạnh tranh.
Về bảng giá trần, theo Bộ Tài chính, được xây dựng trên kết quả thanh tra của cơ quan quản lý về giá sữa trong năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, trong đó có tham khảo, so sánh với giá sữa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng: “Áp giá trần mặt hàng sữa chỉ là biện pháp mang tính chất thời kỳ, giai đoạn”. Sau khi giá sữa đã được bình ổn thì biện pháp này sẽ được gỡ, các DN tự do cạnh tranh mà không ảnh hưởng đến lợi ích NTD.
Bình luận của bạn