Bộ trưởng Kim Tiến: “Ngành y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu”

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời phỏng vấn về những hoạt động trong năm qua và những định hướng của ngành y tế trong năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

"Năm đại khủng hoảng"


- Năm qua, có lẽ là một năm đặc biệt với ngành y tế, vì có rất nhiều sự kiện liên quan. Nhìn lại năm qua, Bộ trưởng có thể đưa ra đánh giá như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2013 mặc dù có rất nhiều khó khăn trong nền kinh tế chung của cả nước cũng như thế giới nhưng phải nói ngành y tế đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể, ngành y tế đã hoàn thành 7 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2011-2016 và các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã kiểm soát và khống chế tốt các dịch bệnh trên toàn quốc; ngăn ngừa thành công các dịch bệnh mới nổi từ bên ngoài, không để thâm nhập vào Việt Nam…

Tuy nhiên, trong năm qua, ngành y tế cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở còn hạn chế.

Thêm vào đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố, thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch ở một số địa phương còn nhiều bất cập và một số nơi chưa làm tốt việc xã hội hóa hoạt động y tế dẫn đến việc lạm dụng kỹ thuật cao…

- Có ý kiến cho rằng, năm 2013 là một năm "đại khủng hoảng" của ngành y tế vì có quá nhiều sự việc rắc rối về y đức cũng như những sai sót trong chuyên môn. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề trên ra sao?

Nghề y là một nghề nhân đạo, cứu người. Không một bác sỹ nào khi khám chữa bệnh lại mong bệnh nhân của mình tử vong. Trong y học, có những sự cố do nguyên nhân khách quan, nằm ngoài khả năng của người thầy thuốc. Ngay ở các nước có trình độ phát triển cao về y khoa cũng không tránh được, nhưng cũng có sự cố do sai sót của cán bộ y tế gây ra.

Đúng là trong thời gian qua, những mâu thuẫn trong giai đoạn quá độ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội của nghĩa đã ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ y tế. Một số thầy thuốc có thái độ ứng xử không tốt trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến toàn ngành.

Nền kinh tế thị trường hiện nay đã đặt ra cho ngành y đứng trước nhiều thách thức và có những hạn chế. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Đó là những "con sâu làm rầu nồi canh," vì toàn ngành y tế hiện nay có khoảng 400.000 cán bộ y tế, hầu hết cán bộ y tế đều hết lòng và tận tâm chăm sóc người bệnh, nhiều người đã không quản khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong rằng người dân phát hiện góp ý để ngành y tế hoàn thiện và làm tốt hơn nữa.


Các kết quả xét nghiệm khống của các bệnh nhân có cùng chỉ số sinh hóa và huyết học. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Nghiêm khắc xử lý

- Như Bộ trưởng đã nói chính nền kinh tế thị trường hiện nay và một bộ phận nhỏ cán bộ nhân viên trong ngành y đã làm cho nhiều giá trị chuẩn mực của nghề bị "hoen ố" đến toàn ngành. Bộ trưởng có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Đúng là ngành y tế hiện nay đang đứng trước thách thức, mâu thuẫn trong giai đoạn quá độ mà chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó làm cho trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của bác sỹ cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, đâu đó có một số người hoặc cơ sở y tế vì chạy theo lợi nhuận và quên đi trách nhiệm xã hội, đó là người thầy thuốc phải như mẹ hiền.

Một bộ phận nhỏ nhân viên y tế có tiêu cực, thái độ không đúng mực như vòi vĩnh người bệnh. Để khắc phục những điều này, chúng tôi cũng đang rất quyết liệt bằng các văn bản pháp luật, nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.

Thách thức thứ hai từ cơ chế thị trường là do ngân sách dành cho ngành y tế còn rất ít, không đủ cho các bệnh viện công lập. Vì vậy, đảng nhà nước cũng đưa ra chủ trương xã hội hóa. Đây là chủ trương rất tốt nhằm tăng cường nguồn lực. Xã hội hóa bao gồm hai hình thức, một là liên doanh liên kết về trang thiết bị y tế và một hình thức khác là mở ra các phòng khám và khoa khám bệnh theo yêu cầu.

Những điều này dẫn tới việc, nếu làm nghiêm theo đúng văn bản quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về công khai minh bạch giá thì về cơ bản là tốt.

Tuy nhiên, qua đợt thanh tra của Chính phủ với một số đơn vị trực thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh cho thấy, ở một số nơi xã hội hóa y tế có hiện tượng không công khai minh bạch giá dịch vụ, có nơi lạm dụng các kỹ thuật cao. Thực ra, thực hiện các kỹ thuật cao là tốt, nhưng nguồn tài chính của bảo hiểm y tế có hạn, nên các cơ sở nào mà lạm dụng sẽ làm ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng, ở đất nước nào trong giai đoạn cơ chế thị trường này cũng vẫn phải có những loại hình dịch vụ khác nhau để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Chính những dịch vụ chất lượng cao đó sẽ giữ chân điều trị bệnh nhân ở trong nước, để họ không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

"Quá tải bệnh viện sẽ giảm chậm"

- Có một điều hiện nay được rất nhiều người dân quan tâm, là tình trạng các bệnh viện thường xuyên quá tải. Là người đứng đầu ngành y tế, bà có thể cho độc giả biết tình trạng trên liệu có được giải quyết sớm trong năm tới không?

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Quốc hội rất quan tâm đầu tư cho ngành y tế, tuy nhiên, thời gian gần đây mới quan tâm từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện tuyến trung ương mới được đầu tư nên ít nhất phải vài năm nữa mới hoàn thành. Vì vậy, trong thời gian này, cơ sở vật chất rất hạn chế và quá tải bệnh viện sẽ giảm chậm, không thể trong một hai năm được.

Về giải pháp lâu dài, theo tôi, nhà nước vẫn phải đầu tư bởi vì ở nước ta hiện nay mới chỉ đạt tỷ lệ 22,5 giường bệnh/10.000 dân, trong khi yêu cầu chung đặt ra trên thế giới là 39 giường bệnh/10.000 dân. Hiện nay dân số của Việt Nam tăng lên rất nhanh, nhu cầu khám chữa bệnh cũng tăng lên nhanh, di dân ra đô thị rất lớn. Vì vậy, nếu không có sự đầu tư của nhà nước và xã hội thì một mình ngành y tế sẽ không thể giảm tải được.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

- Công tác chăm sóc sức khỏe luôn luôn được người dân quan tâm và đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu cao. Xin Bộ trưởng cho biết, công tác trọng tâm của ngành y tế trong năm 2014 sẽ là gì?

Năm 2014 ngành y tế sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám bệnh và điều trị.

Trong năm 2014, ngành y tế tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên: xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí 20.000 tỷ đồng đầu tư của Chính phủ để xây dựng 5 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến cuối có sự quá tải trầm trọng. Đó là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, 3 bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, nhằm tăng số giường bệnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ chú trọng việc nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; duy trì và phát huy hiệu quả tác dụng của đường dây nóng trong việc xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, cũng như phát hiện các tấm gương y bác sỹ điển hình trong khám chữa bệnh.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý