Bộ Y tế: Cảnh báo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đồng loạt gia tăng

Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức - Ảnh: VGP

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết

Podcast: Cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ mắc ho gà

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao ở Hà Nội

Một quốc gia Nam Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp vì sốt xuất huyết

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu của bệnh sốt xuất huyết

Đây là thông tin vừa được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức.

Nguy cơ bùng dịch tại nhiều khu vực trên toàn cầu

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Tại khu vực Châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines...

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở Châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Số ca mắc tay chân miệng tăng 2,3 lần

TS. Hoàng Minh Đức nhấn mạnh việc tiêm đủ mũi vaccine để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: VGP

TS. Hoàng Minh Đức nhấn mạnh việc tiêm đủ mũi vaccine để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: VGP

Tại Hội nghị,TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước. Miền Bắc ghi nhận trên 1.300 ca, miền Trung khoảng 1.000 ca; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất với 200 ca mắc.

Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Không ghi nhận ca tử vong.

Về tình hình sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.542 ca, giảm 41,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, miền Nam trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); miền Trung trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); miền Bắc trên 800 ca (chiếm 6 %); Tây Nguyên trên 700 ca (chiếm 5%).

Về tình hình dịch cúm A(H9N2), theo báo cáo, tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, nước ta ghi nhận 1 ca mắc cúm A (H9N2) trên người tại Tiền Giang. 

Về bệnh ho gà, 3 tháng đầu năm thống kê 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Riêng tại Hà Nội trong số 48 ca mắc chủ yếu dưới 3 tháng tuổi, trong đó 47 ca chưa tiêm hoặc chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà (trẻ dưới 2 tuổi).

Tăng cường tiêm vaccine và công tác phòng chống dịch

Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm đã có vaccine dự phòng, TS. Hoàng Minh Đức thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm trước, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, do trong giai đoạn dịch COVID-19 và việc cung ứng chậm vaccine giai đoạn 2022-2023.

Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng đạt trên 95%.

Mặt khác, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm sẽ quay trở lại, vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần sớm triển khai tiêm chủng bù mũi ngay trong quý 1, 2/2024 cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023, để chủ động đáp ứng phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định, bệnh ho gà cũng có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong thời gian tới, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh bố trí kinh phí cho việc triển khai công tác y tế dự phòng, đặc biệt là hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng bằng nguồn kinh phí địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Ngành y tế các địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, chú trọng bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng số mắc (sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi, ho gà...).

Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn