Bộ Y tế thông tin về dịch cúm mùa đang bùng phát tại Nhật Bản

Người dân đeo khẩu trang khi ra đường để phòng tránh lây nhiễm khi số ca cúm tại Nhật Bản tăng mạnh - Ảnh: CCTV News.

Podcast: Nguy cơ bùng phát cúm mùa dịp Tết

Podcast: Cảnh giác nguy cơ biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do cúm mùa

Bộ Y tế cấp phép cho thuốc cổ truyền điều trị COVID-19 và cúm mùa

Giải đáp một vài câu hỏi thường gặp về bệnh cúm

Chiều 5/2, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản.

Theo dữ liệu công bố ngày 31/1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1 tại quốc gia này đã ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ ngày 23 đến ngày 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp. Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiểu điểm du lịch, tập trung đông người và là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. 

Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.   

Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/1, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, Mycoplasma pneumoniae.

Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở Châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở Châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1), phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.

Cục Y tế dự phòng cho biết, Cục sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

Đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Đợt bùng phát cúm lớn nhất trong 25 năm "tấn công" Nhật Bản

Nữ minh tinh Đài Loan Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 48 vì bệnh cúm và viêm phổi trong kỳ nghỉ tại Nhật Bản - Ảnh: AFP

Nữ minh tinh Đài Loan Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 48 vì bệnh cúm và viêm phổi trong kỳ nghỉ tại Nhật Bản - Ảnh: AFP

Nhật Bản đang vật lộn với một trong những đợt bùng phát cúm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với số ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1999.

Dữ liệu cho thấy trong tuần cuối cùng của tháng 12/2024, khoảng 5.000 cơ sở y tế tại Nhật Bản đã báo cáo tổng cộng 318.000 ca mắc, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên số ca mắc cúm hàng tuần vượt mốc 300.000 ca, phá kỷ lục kể từ khi Nhật Bản áp dụng phương pháp thống kê hiện hành vào năm 1999.

Bên cạnh đó, số ca mắc trung bình tại mỗi cơ sở y tế cũng đạt 64 ca/tuần, cao hơn gấp đôi mức cảnh báo do Chính phủ Nhật Bản thiết lập.

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID) kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Kurashiki Nao Ishida cảnh báo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch. Ông Ishida cũng nhấn mạnh, nguy cơ cúm A đang dần suy giảm nhưng có thể bị thay thế bởi cúm B, khiến tình hình dịch bệnh vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

Theo Travel Weekly Asia, các ca bệnh cúm mùa tăng đột biến được cho là do sự gia tăng di chuyển trong dịp lễ và không còn các biện pháp hạn chế của COVID-19 như những năm trước. Áp lực đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu hụt các loại thuốc kháng virus quan trọng, bao gồm Tamiflu, với các công ty dược phẩm lớn đang phải "vật lộn" để đáp ứng nhu cầu tăng cao. 

Cuộc "khủng hoảng" còn lan sang lĩnh vực nông nghiệp, khi Nhật Bản chứng kiến ​​sự lây lan đáng kể của cúm gia cầm. Chỉ riêng trong tháng 1/2025, hơn 5 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy khi chính quyền cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát ảnh hưởng đến các vùng sản xuất gia cầm chính.

Đặc biệt, mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát cúm ở Nhật Bản đã được nhấn mạnh bởi sự ra đi của minh tinh Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên khi đang trong kỳ nghỉ tại Nhật Bản. Nữ diễn viên 48 tuổi, nổi tiếng nhất với vai diễn trong phim "Vườn sao băng", được cho là đã mắc bệnh viêm phổi do biến chứng của bệnh cúm và tử vong vào ngày 2/2 vừa qua. Cái chết của cô đã làm dấy lên mối lo ngại về sự khó lường của các biến chứng liên quan đến cúm, đặc biệt là đối với những người có bệnh nền từ trước.

Các quan chức y tế tiếp tục thúc giục người dân tiêm vaccine phòng cúm, cảnh báo rằng các chủng cúm khác nhau vẫn có thể lây lan. Du khách đến Nhật Bản được khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang và theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội