Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai - Ảnh: Sức khỏe+.
Bộ Y tế hướng dẫn 4 bước xử trí khi phát hiện F0, F1 trong trường học
Quy định cách ly, xét nghiệm mới với F1
10 sự kiện nổi bật ngành Y tế trong năm 2021
Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y
Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.
Chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở đó, sáng 21/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế".
Tại buổi Tọa đàm, các khách mời đều khẳng định: Hơn cả sự hy sinh, đó là niềm tự hào khi những nhân viên y tế được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.
Thời gian qua, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ và cần có các bước cụ thể hơn để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế. Đây là việc làm cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở trong bối cảnh mới hiện nay.
Vận dụng mọi cách, mọi nguồn lương cao nhất cũng chỉ 9 triệu
Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội nêu hàng loạt khó khăn của ngành y trong phòng chống dịch trong đó có thu nhập của các y, bác sĩ.
Nêu thực tế, BV Đại học Y Hà Nội đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế có thu nhập bằng như trước khi đại dịch, bác sĩ cho biết, nhiều bệnh viện khác hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản...
Vì vậy, trong nhiều việc cần làm thời gian tới, trước mắt cần làm sao để nâng cao được thu nhập, ổn định được đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới) đi vào cuộc sống. Bởi hiện nay rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị COVID-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn.
Dẫn thực tế hiện nay, 1 điều dưỡng viên của BV Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu đồng dù đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. Ông đề nghị phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán.
Cùng với đó là cần có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 để làm cơ sở thanh toán, chi trả cho nhân sự khi được tuyển dụng.
Một vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay nữa theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là duy trì hoạt động, kinh tế vật tư trang thiết bị.
"Các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và chúng tôi không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây nữa vì không còn đủ tiền để mà mua trang thiết bị. Một bộ bảo hộ lên đến 500.000-600.000 đồng" - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Tại sao ngành y không áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?
Cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng.
Thứ nhất, là ngành y đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. "Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?", ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi. Đối với ngành y tế, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.
Thứ ba, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.
"Theo tôi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng tôi đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ", ông Lợi nêu ý kiến.
Điều chỉnh chế độ, phụ cấp để xứng đáng với sự hy sinh
Nói về giải pháp để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Mặc dù, những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40% lên 70%, rồi lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
“Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận. Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế”, Thứ trưởng thông tin.
Còn về giải pháp căn cơ lâu dài, ông Tuyên cho rằng cần chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch; có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị…
"Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện những dự án để trình Chính phủ sớm ban hành để việc tổ chức thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm.
Bình luận của bạn