WHO đưa ra khuyến nghị về đạo đức và quản trị AI đa thể thức

Khuyến nghị của WHO có hơn 40 điều, nhằm đảm bảo sử dụng LMM phù hợp trong chăm sóc sức khỏe

WHO: Gần 10.000 người tử vong vì COVID-19 trong tháng trước

Thông điệp cuối năm: WHO kêu gọi hiệp định đại dịch vào năm 2024

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu của bệnh sốt xuất huyết

WHO: Trẻ em đang "mắc bẫy" thuốc lá điện tử

Các ứng dụng AI đa thể thức (LMM) có thể chấp nhận một hoặc nhiều dạng dữ liệu đầu vào (ví dụ như văn bản, video và hình ảnh), tích hợp thêm nhiều thuật toán và công nghệ nhận diện để giải quyết các vấn đề phức tạp với độ chính xác cao, cho ra sản phẩm đầu ra dưới nhiều hình thức đa dạng.

Các ứng dụng AI đa thể thức độc đáo ở chỗ chúng có thể bắt chước cách giao tiếp của con người, cũng như có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà chúng không được lập trình rõ ràng để thực hiện. Hiện các ứng dụng này đã được sử dụng rộng rãi, với một số nền tảng như ChatGPT, Bard và Bert kể từ năm 2023.

TS. Jeremy Farrar, Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO cho biết: “Công nghệ AI có thể có tiềm năng trong việc chăm sóc sức khỏe cho con người, nhưng chỉ khi những người phát triển, nhà quản lý và người sử dụng các công nghệ này xác định và tính toán được đầy đủ các rủi ro liên quan. Chúng tôi cần thông tin và chính sách minh bạch để quản lý việc thiết kế, phát triển và sử dụng các ứng dụng AI đa thể thức, nhằm đạt được kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cũng như khắc phục những bất bình đẳng về sức khỏe vẫn đang còn tồn tại”.

Lợi ích và rủi ro tiềm ẩn

Khuyến nghị mới của WHO nêu ra 5 ứng dụng rộng rãi của AI đa thể thức trong việc chăm sóc sức khỏe:

AI đa thể thức có thể giúp ích trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, chăm sóc lâm sàng

AI đa thể thức có thể giúp ích trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, chăm sóc lâm sàng

- Chẩn đoán và chăm sóc lâm sàng, ví dụ như trả lời các câu hỏi của bệnh nhân bằng văn bản.

- Giúp hướng dẫn người bệnh bằng cách giải thích triệu chứng, giải đáp thắc mắc trong quá trình điều trị.

- Giải quyết các công việc văn thư, hành chính như ghi chép và tóm tắt thông tin về các lần thăm khám cho bệnh nhân, cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Giáo dục y tế và điều dưỡng, ví dụ như cung cấp các cuộc gặp gỡ bệnh nhân dưới dạng mô phỏng.

- Tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển thuốc, bao gồm cả việc xác định các hợp chất mới.

Dù các ứng dụng AI đa thể thức đang bắt đầu được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe của người dân, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo một số rủi ro đã được ghi nhận. Theo đó, có lo ngại về việc các ứng dụng này đưa ra các tuyên bố sai lệch, không đầy đủ hoặc không chính xác, có thể gây hại khi người dùng nghe theo các thông tin này. Điều này đặc biệt đúng khi AI chưa có đủ dữ liệu về sự khác biệt giữa các chủng tộc, sắc tộc, giới tính, bản dạng giới hoặc độ tuổi… của một người.

Khuyến nghị mới của WHO cũng nêu ra rủi ro trong vấn đề an ninh mạng. Điều này có thể khiến thông tin của người bệnh bị rò rỉ.

Nhìn chung, để tạo ra được các ứng dụng AI đa thể thức an toàn và hiệu quả, WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan như chính phủ, công ty công nghệ thông tin, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân… trong tất cả các giai đoạn phát triển và triển khai các công nghệ này, bao gồm cả việc giám sát và quản lý.

Một vài điểm đáng lưu ý trong khuyến nghị của WHO

Hướng dẫn mới của WHO bao gồm khuyến nghị dành cho chính phủ các nước, yêu cầu có trách nhiệm chính trong việc đặt ra tiêu chuẩn cho việc phát triển và triển khai các ứng dụng AI đa thể thức, cũng như tích hợp và sử dụng chúng cho các mục đích y tế cộng đồng. Cụ thể, WHO đề nghị các chính phủ cần:

 

- Đầu tư, cung cấp cơ sở hạ tầng cho các nhà phát triển.

- Yêu cầu người dùng tuân thủ các nguyên tắc và giá trị đạo đức để đổi lấy quyền truy cập.

- Đưa ra các điều luật, chính sách và quy định phù hợp để đảm bảo các ứng dụng AI đa thể thức có thể được ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe và y học, bất kể rủi ro hay lợi ích liên quan đến công nghệ AI. Việc sử dụng các ứng dụng này cũng cần đáp ứng được các nghĩa vụ đạo đức và tiêu chuẩn nhân quyền (như nhân phẩm, quyền tự chủ hoặc quyền riêng tư).

- Chỉ định một cơ quan quản lý để đánh giá, phê duyệt các ứng dụng AI đa thể thức nhằm mục đích sử dụng trong chăm sóc sức khỏe hoặc y học.

- Đưa ra đánh giá tác động và kiểm tra lại sau khi các ứng dụng này được triển khai trên quy mô lớn. Các đánh giá này phải tính tới các yếu tố của người dùng như độ tuổi, chủng tộc, thể trạng…

Hướng dẫn mới của WHO cũng bao gồm khuyến nghị dành cho các nhà phát triển ứng dụng AI đa thể thức:

- Các ứng dụng này không chỉ được thiết kế bởi các nhà khoa học và kỹ sư, mà còn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ y tế, nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia chăm sóc sức khỏe và người bệnh… Tất cả nên tham gia ngay từ giai đoạn đầu phát triển ứng dụng để đảm bảo được sự toàn diện, minh bạch, có cơ hội nêu lên các vấn đề đạo đức, các mối quan ngại của mình về ứng dụng đang được phát triển.

- Các ứng dụng AI đa thể thức cần được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ được xác định rõ ràng, với độ chính xác và độ tin cậy cao để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nâng cao lợi ích của người bệnh. Các nhà phát triển cũng phải có khả năng dự đoán và hiểu được các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi ứng dụng được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Vi Bùi (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn