Việt Nam tích cực phòng đậu mùa khỉ

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Làn sóng Omicron: Chương cuối của đại dịch COVID-19?

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 21/6/2022

Cách bảo vệ hệ miễn dịch ở người bệnh vảy nến thể mảng

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đang tích cực giám sát, ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và địa phương trong nước đề nghị tăng cường giám sát, ngăn chặn và phát hiện sớm ca bệnh ngay tại các cửa khẩu và cơ sở y tế, nhất là những trường hợp đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực tổ chức các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này, cũng như biện pháp phòng chống. Cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận ở châu Á vào đầu tuần này tại hai nước Hàn Quốc và Singapore.

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng hiện tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, chưa ghi nhận ca tử vong. Các chuyên gia khuyến cáo theo dõi 3 dấu hiệu bệnh trở nặng nguy hiểm gồm: Sốt cao không đáp ứng với điều trị, trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; Giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không; Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Ngày 23/6, Bệnh viện Chợ Rẫy (Bộ Y tế) phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM công bố đã thiết lập phần mềm chung quản lý việc hiến tặng, ghép thận nhân đạo. Đây là phần mềm được các bệnh viện phối hợp xây dựng nằm trong đề án nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Theo đó, phần mềm liên viện được thiết lập sẽ quản lý việc tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng. Các thông tin của người chờ và người hiến sẽ được mã hóa, tạo sự minh bạch cao, theo đúng trình tự, quy chuẩn, yêu cầu y khoa và không ai có thể can thiệp làm sớm hay muộn. Được biết, hiện nay nguồn hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu từ người sống chiếm 94,1%, có quan hệ huyết thống; trong khi đó nguồn hiến tạng từ người chết não rất ít, chỉ chiếm 5,9% trong tổng số ca được ghép.

Ngày 23/6, điểm hiến máu cố định tiếp theo của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chính thức đi vào hoạt động tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội). Đây là điểm hiến máu cố định ngoại viện thứ 4 được triển khai trên địa bàn thành phố. Điểm hiến máu này được kỳ vọng sẽ là địa chỉ tin cậy của người dân huyện Thanh Trì và khu vực lân cận có mong muốn hiến máu cứu người.

Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi, đến khám vì đau nhức mũi, chảy máu mũi, người mệt mỏi đã 3 ngày nay. Sau khi tiến hành khám lâm sàng, nội soi mũi để kiểm tra thì phát hiện ở mũi có 1 dị vật ký sinh hình dạng giống vắt, đỉa rừng có hút máu. Sau khi được lấy dị vật ở mũi, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, mũi hết chảy máu và được xuất viện ngay sau đó.

Theo Sức khỏe & Đời sống, BVĐK Trung ương Quảng Nam vừa phối hợp cấp cứu và phẫu thuật bắt con kịp thời cho sản phụ không may bị tại nạn giao thông trên trường đi sinh. Được biết, tối 13/6, bệnh nhân cùng người trên đường đến bệnh viện không may gặp tai nạn giao thông. Vụ va chạm đã khiến 3 người bị thương, trong đó sản phụ bị gãy nát phức tạp 2 xương cẳng chân trái, gãy chỏm xương quay trái. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của sản phụ ổn định, tiến triển tốt, các vết mổ khô, em bé có thể bú mẹ bình thường.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn