Cách tránh bệnh da mùa lạnh cho em bé


Ảnh bìa: Dấu hiệu chàm (T.L)

Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, bệnh viện Da Liễu TP.HCM cách phân biệt các bệnh da do thời tiết lạnh như sau:

  • Da khô: Có vảy đóng trên da.
  • Viêm da: Da đỏ kèm theo ngứa.
  • Chàm: Trời lành lạnh, bệnh chàm thường "lộ diện" ở bé dưới hai tuổi có cha hoặc mẹ bị bệnh chàm, viêm mũi dị ứng. Có trường hợp mặt đỏ, nổi mụn nước; có trường hợp mặt đỏ, da khô…

Triệu chứng bệnh chàm thể tạng khác nhau tùy theo độ tuổi. Chàm nhũ nhi, dưới hai tuổi thường bị lác sữa, hai bên má nổi mảng đỏ, mụn nước, tiết dịch, ngứa, vị trí đối xứng nhau, đến khoảng hai tuổi thì khỏi.

Trẻ thiếu niên, khoảng bảy-tám tuổi bị nổi mụn nước ở khuỷu tay, khuỷu chân, sau gáy, đối xứng nhau, mụn nước mau vỡ, dày da và thường hết khi trưởng thành.

Người lớn bị chàm thể tạng thường nổi ở mu bàn tay, mu bàn chân, cổ chân. Sau giai đoạn chảy nước, vùng da này dày lên, ngứa dai dẳng. Bệnh được coi như biểu hiện dị ứng của cơ thể và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố di truyền trong gia đình, bà con cũng bị bệnh chàm thể tạng. Bệnh có thể khỏi nếu tìm và loại được nguyên nhân gây bệnh.

Khi bị khô da, chỉ cần bôi kem dưỡng ẩm dành cho trẻ nhỏ là tình hình cải thiện.

Bệnh viêm da và bệnh chàm cần đi điều trị tại các chuyên khoa da liễu, vì đây là những bệnh có thể bị nhiễm trùng. Riêng bệnh viêm da, tại phòng khám da liễu đã phát hiện nhiều trường hợp phụ huynh tự dùng kem chứa corticoid cho trẻ. Khi bôi loại kem này, bệnh "lui" thấy rõ, nhưng khi ngừng thuốc lại bùng phát dữ dội.

Để phòng bệnh da cho bé, cần tránh gió, tránh lạnh, tránh ra ngoài đường. Trong nhà, nên dùng quạt máy, nếu dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để trên 25 độ C.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ