Cần cân nhắc khi mua máy ozone

Rất nhiều loại giá, loạn chủng loại

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy ozone do các cơ sở trong nước sản xuất và cả nhập khẩu từ nước ngoài. Tuỳ theo tính năng của sản phẩm mà các loại máy của Trung Quốc giá khá rẻ chỉ từ 500.000 - 1.400.000đ/chiếc, máy loại 1 đầu dẫn của Việt Nam sản xuất: 1.500.000 - 1.600.000đ/chiếc, loại hai đầu dẫn: 2.200.000 - 2.400.000đ/chiếc cá biệt có loại máy lọc ion giá 2.850.000đ/chiếc. Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng (NTD) lo sợ thực phẩm, rau củ, quả hiện nay không đảm bảo chất lượng nên mỗi buổi diễn thuyết của cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị có thể bán được từ 16 - 20 máy.

Để NTD yên tâm về giá cả sản phẩm có công nghệ hiện đại, cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị tặng cho những khách hàng đăng ký mua ngay trong buổi diễn thuyết ngoài sản phẩm tặng kèm còn có thể giảm giá tới 400.000 - 550.000đ/máy. Cơ sở sản xuất nào cũng nói hàng của mình tốt, giá hợp lý, có chứng nhận tem chống hàng giả của Bộ Quốc phòng, vì vậy bà con dân cư rất tin tưởng đăng ký mua để nhận được nhiều ưu đãi.

Để gây dựng lòng tin cho NTD khu vực, các chuyên viên tư vấn làm thí nghiệm tại chỗ. Họ cho mực xanh vào cốc nước, để máy ozone sục trong thời gian khoảng 20 phút sau đó uống trực tiếp. Hấp dẫn hơn khi các chuyên viên để cá, thịt, dưa chuột vào sục qua máy ozone thì sau một thời gian nhất định, trên bề mặt thực phẩm và quả xuất hiện lớp màng, vớt ra đốt cháy thì hợp chất này co lại và đen như nhựa đường. Qua thí nghiệm, NTD càng tin tưởng khả năng khử trùng, khử độc của thiết bị ozone.

Không nên phóng đại sản phẩm

Theo chuyên gia vật lý thì khí ozone được tạo ra khi có tia lửa điện. Nguyên lý diệt khuẩn trong môi trường nước chủ yếu là khả năng ôxy hóa mạnh. TS Nguyễn Văn Khải - ông già ozone - cho rằng: Tùy theo hiệu suất của máy, tác nhân ion hóa nên NO2 chiếm tới 79%, ozone chỉ chiếm 19% trong quá trình sử dụng thiết bị để làm sạch thực phẩm, rau, quả. Vì vậy khí nitơrít (NO2) là chủ yếu. Để ozone làm sạch nước thì cần thiết bị có công lớn, ôxy sạch, ôxy khô thì mới tạo ra ozone.

Nếu sử dụng để khử khuẩn vệ sinh thì có tác dụng. Giải thích hiện tượng lớp váng nổi lên bề mặt thực phẩm sau khi sục khí ozone, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng: "Có thể trong quá trình sục thiết bị ozone vào thực phẩm, củ, quả có lớp màng đó là do NO2 làm mỡ nổi lên. Tuy nhiên để chứng minh thịt đó có sạch không sau khi sục khí thì các chuyên viên không thể chứng minh được. Tôi đã từng làm thí nghiệm bôi thuốc trừ sâu vào quả cà chua cho sục thiết bị ozone đang quảng cáo trên thị trường từ 30 - 60 phút để khô, xét nghiệm vẫn còn dư lượng thuốc trừ sâu".

Khuyến cáo cho NTD, TS Khải cho rằng: Chất lượng của máy ozone hiện nay đa phần không đảm bảo. Một số gia đình mua máy tạo khí ozone đã khiến những người có tiền sử bệnh hô hấp hay bị ho. Thiết bị ozone đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phải đảm bảo điều kiện tạo ra ô-xi sạch, loại bỏ được khí NO2. Vì vậy, NTD nên cân nhắc khi mua thiết bị theo lời quảng cáo.


nhattd
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn