Phải làm sao nếu cún cưng ăn phải bả chuột?

Bả chuột (thuốc diệt chuột) là loại chất độc gây nguy hiểm đến tính mạng của cún cưng.

Tại sao không nên bỏ qua việc tẩy giun cho cún?

Dấu hiệu nhiễm khuẩn Salmonella hoặc E.Coli ở cún cưng

Công nghệ AI giúp phát hiện những vấn đề về tim ở cún cưng

Những điều cần biết về loài cún có “chiều cao khiêm tốn”

Triệu chứng và nguyên nhân khi cún cưng ngộ độc bả chuột

Thị trường hiện nay cung cấp đa dạng các loại thuốc diệt chuột, mỗi loại sở hữu những thành phần hoạt chất độc hại riêng. Độ độc hại của thuốc đối với chó phụ thuộc trực tiếp vào loại và hàm lượng chất độc mà chúng tiếp xúc. Cần lưu ý rằng, liều lượng gây độc của từng loại thuốc là khác nhau, dẫn đến các biểu hiện ngộ độc đa dạng. Quan trọng hơn, không có loại thuốc diệt chuột nào được xem là an toàn đối với chó.

Hầu hết các chế phẩm diệt chuột đều được pha trộn với ngũ cốc hoặc đường để tăng tính hấp dẫn đối với loài gặm nhấm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ thu hút các loài vật nuôi như chó, mèo. Các sản phẩm này thường có hình dạng viên, khối, hạt hoặc dạng lỏng. Mặc dù có thể có đa dạng màu sắc nhưng phổ biến nhất là các tông màu xanh lá, xanh dương, xanh lục hoặc hồng. Tuy nhiên, màu sắc và hình dạng bên ngoài không phải là yếu tố quyết định thành phần hóa học bên trong. Để xác định chính xác hoạt chất có trong sản phẩm, người dùng cần tham khảo kỹ nhãn mác bao bì.

Bả chuột thường có mùi thơm và được trộn vào các loại thức ăn để thu hút chuột

Bả chuột thường có mùi thơm và được trộn vào các loại thức ăn để thu hút chuột

Khi ăn phải bả chuột, cún cưng sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

- Chảy máu trong

- Suy thận

- Nhịp tim bất thường

- Co giật, thần kinh bất thường

- Nôn mửa

Thuốc diệt chuột chứa những hợp chất độc hại, khi xâm nhập vào cơ thể chó, chúng tấn công trực tiếp vào các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh trung ương. Biểu hiện đầu tiên thường thấy là tình trạng nôn mửa do dạ dày là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với chất độc. Tiếp theo, chất độc sẽ lan rộng qua đường máu, gây ra những tổn thương nghiêm trọng: xuất huyết nội tạng, rối loạn thần kinh biểu hiện qua các cơn run, mất thăng bằng, co giật dữ dội; rối loạn nhịp tim, suy tim và cuối cùng là suy thận cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhất tất nhiên sẽ đến từ bả chuột nhưng hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại bả chuột và tác dụng của mỗi loại là khác nhau. Cụ thể như:

- Các chế phẩm chống đông máu: Với các hoạt chất chủ yếu như brodifacoum, bromadiolone, chlorophacinone, diphacinone hay warfarin, là những loại thuốc diệt chuột phổ biến nhất gây ngộ độc ở chó. Cơ chế gây độc của chúng dựa trên việc ức chế quá trình tái chế vitamin K, một yếu tố cần thiết trong quá trình đông máu. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất độc này gây ra xuất huyết nội lan tỏa, dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi tiếp xúc với chất độc đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày.

- Bả chuột có chứa Cholecalciferol: Việc hấp thụ quá mức Cholecalciferol dẫn đến tăng nồng độ calci trong cơ thể, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy thận cấp tính, rối loạn chức năng tim mạch và thậm chí tử vong. Đặc biệt đáng lưu ý là các triệu chứng ngộ độc có thể không xuất hiện ngay mà kéo dài từ 12 đến 36 giờ sau khi tiếp xúc với chất này.

- Bromethalin: Chất này tác động lên cơ thể bằng cách làm tăng nồng độ natri nội bào, kích hoạt cơ chế thẩm thấu khiến nước tràn vào tế bào. Sự trương nở tế bào quá mức dẫn đến tổn thương và hoại tử, cuối cùng gây tử vong cho cún cưng. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan nhưng hệ thần kinh trung ương là mục tiêu chính của độc tố này. Triệu chứng ngộ độc thường biểu hiện chậm, kéo dài từ 1 đến 2 tuần đối với liều lượng thấp. Ngược lại, liều lượng cao có thể gây tử vong cấp tính.

- Các hợp chất diệt chuột như kẽm phosphide và strychnine: Vốn được thiết kế cho mục đích chuyên dụng và ít khi xảy ra trường hợp chó mèo vô tình nuốt phải. Tuy nhiên, độc tính của chúng là không thể phủ nhận. Ngay cả với lượng nhỏ, các chất này cũng đủ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Khi ăn phải bả chuột, cún cưng thường có những dấu hiệu phổ biến như co giật, nôn mửa, chảy dãi, bọt mép,...

Khi ăn phải bả chuột, cún cưng thường có những dấu hiệu phổ biến như co giật, nôn mửa, chảy dãi, bọt mép,...

Khi cún cưng ăn phải thuốc diệt chuột, sen cần làm gì?

Trong trường hợp nghi ngờ cún cưng đã nuốt phải thuốc diệt chuột. bạn cần liên hệ ngay với cơ sở thú y gần nhất. Đa số các trường hợp đều yêu cầu sự can thiệp kịp thời của bác sĩ thú y. Nếu chất độc vừa mới xâm nhập cơ thể, bác sĩ có thể yêu cầu thông tin chi tiết về loại thuốc diệt chuột đã được sử dụng.

Trước khi tới phòng khám, bạn cần chuẩn bị những vật dụng sau đây:

- Bao bì của thuốc diệt chuột.

- Phần còn lại của bả chuột mà cún ăn phải.

- Liều lượng bả chuột mà cún đã ăn và ăn bao lâu.

Bác sĩ thú y sẽ tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu như gây nôn (nếu còn kịp thời) để loại bỏ tối đa chất độc ra khỏi cơ thể. Tiếp theo, than hoạt tính có thể được sử dụng để hấp thụ các chất độc còn lại, ngăn chặn chúng xâm nhập vào máu.

Ở một số trường hợp nặng, việc nhập viện là cần thiết để theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của chó và thực hiện các thủ tục điều trị chuyên sâu. Tiên lượng phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại chất độc, lượng chất độc đã nuốt, thời gian từ khi ngộ độc đến khi được cấp cứu và tình trạng sức khỏe tổng thể của thú cưng.

Khi cún xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc nghiêm trọng liên quan đến hệ thần kinh, thận hoặc tim thì khả năng hồi phục thường rất thấp. Việc can thiệp vào giai đoạn này trở nên khó khăn, và nguy cơ tử vong là rất cao. Thời gian là yếu tố sống còn trong trường hợp này. Do đó, việc liên hệ ngay với bác sĩ thú y khi nghi ngờ chó bị ngộ độc thuốc diệt chuột là vô cùng quan trọng.

Để bảo vệ cún cưng khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ thuốc diệt chuột, các sen cần đặc biệt lưu ý các biện pháp sau:

- Giám sát chặt chẽ: Luôn giữ thú cưng dưới sự quan sát trực tiếp, đặc biệt khi chúng ở ngoài không gian sống quen thuộc.

- Không gian an toàn: Khi không có người trông coi, hãy giữ cún cưng trong nhà hoặc trong khu vực được rào chắn kỹ lưỡng.

- Hạn chế đi lang thang: Tuyệt đối không thả rông cún cưng, điều này giúp giảm rủi ro khi tiếp xúc với các chất độc hại.

- Sử dụng thuốc diệt chuột an toàn: Nếu buộc phải sử dụng thuốc diệt chuột, hãy đặt chúng ở những nơi thú cưng không thể tiếp cận và luôn giữ nguyên bao bì.

- Tìm kiếm giải pháp thay thế: Cân nhắc các phương pháp diệt trừ chuột an toàn hơn, chẳng hạn như bẫy chuột, keo dính chuột hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia diệt côn trùng.

- Theo dõi sức khỏe: Luôn chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở thú cưng và đưa chúng đến bác sĩ thú y ngay khi có sự nghi ngờ về ngộ độc.

 
Hà Chi (Theo The SprucePets)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn cùng nhà