Sức khoẻ của cún cưng bị đe doạ bởi nhiều loài kí sinh trùng nguy hiểm, vì vậy tẩy giun định kì là vô cùng quan trọng
Những con giun nhỏ "đoạt" 4 giải Nobel
Chó, mèo bị giun sán chữa tại nhà được không?
Podcast: Ngâm rau sống vào nước muối có thể diệt được giun sán không?
Nhiễm sán dây bò dài 4cm sau khi ăn bún bò tái
Tẩy giun, là phương pháp sử dụng các loại thuốc đặc trị để loại bỏ các loại giun sán kí sinh thường gặp ở chó như giun đũa, giun móc, giun sán, giun tóc và giun tim.
Theo GS. Alisa Hutchison thuộc Đại học Y khoa Thú y Missouri (Mỹ), cơ chế hoạt động của các loại thuốc tẩy giun vô cùng đa dạng, tùy thuộc vào loại kí sinh trùng cần tiêu diệt. Một số loại thuốc gây co thắt cơ, khiến giun sán bị tê liệt và dễ dàng bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, một số trường hợp, kí sinh trùng vẫn có thể còn sống và di chuyển sau khi ra khỏi cơ thể vật chủ. Một số loại thuốc khác lại có tác dụng ức chế sự phân chia tế bào của giun sán, khiến chúng bị chết đói và tiêu diệt hoàn toàn.
Các loại thuốc tẩy giun phổ biến hiện nay trong thú y bao gồm pyrantel pamoate, fenbendazole/febantel, praziquantel, ivermectin, selamectin, moxidectin, milbemycin, emodepside và epsiprantel. Tùy thuộc vào từng loại thuốc, phương pháp sử dụng cũng khác nhau, có thể dùng đường uống, tiêm hoặc bôi ngoài da.
Tẩy giun định kì là một phần không thể thiếu trong quy trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cún cưng. Mặc dù các biện pháp vệ sinh và phòng ngừa được thực hiện nghiêm ngặt nhưng nguy cơ chúng nhiễm giun vẫn luôn hiện hữu và khó tránh khỏi. Kí sinh trùng có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường sống, từ đất, nước, côn trùng đến các động vật khác. Điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp nhiễm giun ở cún diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Điều này vô hình chung tạo điều kiện cho kí sinh trùng phát triển và lây lan, gây nguy hiểm cho cả vật nuôi và con người. Một số loại giun đường ruột ở chó có khả năng lây nhiễm sang người, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, việc tẩy giun cho chó không chỉ bảo vệ sức khỏe của thú cưng mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Việc tẩy giun định kì cần được kết hợp với xét nghiệm phân thường xuyên để chẩn đoán chính xác các loại giun đường ruột. Tần suất xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào yếu tố dịch tễ học và lối sống của vật nuôi, tuy nhiên thông thường theo khuyến cáo, xét nghiệm này sẽ được thực hiện 1 đến 2 năm một lần. Song song đó, xét nghiệm sàng lọc giun tim hàng năm cũng là một biện pháp chẩn đoán quan trọng, ngay cả khi thú cưng đã được dùng thuốc phòng ngừa.
Bạn nên tẩy giun cho cún cưng bao lâu một lần?
Khi kết quả xét nghiệm phân hoặc các dấu hiệu lâm sàng (như phát hiện vật thể di động trong phân) xác nhận tình trạng nhiễm giun đường ruột, bác sĩ thú y sẽ chỉ định loại thuốc tẩy giun thích hợp nhất dựa trên từng loại kí sinh trùng. Trong đó, quá trình điều trị giun tim thường phức tạp hơn và đòi hỏi các biện pháp hỗ trợ đặc biệt trước khi tiến hành tiêu diệt kí sinh trùng.
Để phòng ngừa nhiễm giun kí sinh, các "sen" cần tẩy giun định kì quanh năm cho cún. Theo GS. Hutchison, tần suất tẩy giun cho chó phụ thuộc nhiều vào độ tuổi và điều kiện sống của chúng. Để đảm bảo sức khỏe tối ưu cho cả vật nuôi và gia đình, GS. Hutchison khuyến nghị tuân thủ các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Cụ thể, với chó con khi hệ miễn dịch còn non yếu và nguy cơ nhiễm giun từ mẹ rất cao, nên bắt đầu được tẩy giun từ 2 tuần tuổi. Sau đó, cứ 2 tuần một lần, chúng cần được tẩy giun cho đến khi đủ 8 tuần tuổi. Chó mẹ đang cho con bú cũng cần tuân thủ lịch trình tương tự.
Đối với những chú chó khác, việc tẩy giun định kì hàng tháng là cần thiết để phòng ngừa các bệnh kí sinh trùng.
Nếu bạn còn băn khoăn về việc lựa chọn loại thuốc tẩy giun phù hợp và liều lượng dùng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y. Nhiều loại thuốc trị giun tim hiện nay cũng có tác dụng tẩy giun phổ rộng.
Một số tác dụng phụ khi cho cún cưng uống thuốc tẩy giun
Thuốc tẩy giun thường được đánh giá là có độ an toàn cao đối với vật nuôi. Các phản ứng phụ sau khi sử dụng loại thuốc này là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, một số trường hợp, cún cưng có thể xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, chảy nhiều dãi, mệt mỏi hoặc thậm chí trong những trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra co giật.
Nếu nhận thấy bất kì biểu hiện bất thường nào ở thú cưng sau khi tẩy giun, các sen không được tự ý xử lý mà cần cần liên hệ ngay với đội ngũ bác sĩ thú y để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bình luận của bạn