Cần làm rõ trách nhiệm của địa phương khi có sự cố y tế

Khi xảy ra sự cố y tế, trách nhiệm của địa phương chưa rõ 1
Trong năm 2014, Bộ Y tế sẽ cấp số điện thoại cho 1.400 bệnh viện trên cả nước để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: P.V.

Trách nhiệm không chỉ riêng ngành y tế

Mô hình hệ thống tổ chức y tế ở nước ta hiện nay phân chia quyền hạn, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương theo nguyên tắc “song trùng trực thuộc”. Nghĩa là Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ.

Theo đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. “Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng, nhưng trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng, minh bạch”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Khá, trước đây, cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song từng nói: Mỗi khi có vấn đề về y tế như dịch bệnh, sai sót của các cơ sở y tế địa phương thì dư luận xã hội và báo chí đều hỏi Bộ Y tế ở đâu không quản lý mà đến nỗi này? Nhưng từ sau khi Quốc hội thông qua, Luật Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ghi rõ: “Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Bộ Y tế chỉ liên đới một phần trách nhiệm nếu các quy định pháp quy do Bộ Y tế ban hành chưa đủ mạnh hoặc dẫn đến sai sót hoặc trách nhiệm kiểm tra đôn đốc của Bộ Y tế”.

Bà Khá cũng chia sẻ, thực tế, các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy, tài chính, ngân sách đã quy định rõ, Hội đồng nhân dân có trách nhiệm quy định phân bổ nguồn lực (nhân lực, tài chính cho các lĩnh vực trong đó có y tế) mà Quốc hội đã quyết cả gói cho mỗi địa phương từng năm (kể cả kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia), địa phương điều hành bộ máy để thực thi các quy định do các cơ quan Trung ương ban hành.

Không được quyết định nguồn nhân lực, vậy mỗi khi có sự cố về y tế xảy ra tại các cơ sở y tế ở các tỉnh thì trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế đến đâu? Dư luận thường hay kêu Bộ trưởng Bộ Y tế mỗi khi có sự cố như vậy thì có đúng hay không? Nêu ra vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khá đưa ra một số ví dụ trong đó có vụ tai biến vaccine tại Hướng Hóa, Quảng Trị. Theo bà Khá, trong vụ tai biến vaccine, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền tỉnh Quảng Trị (kể cả khắc phục sự cố, điều tra và giải quyết hậu quả). Đây là sự cố xảy ra thuộc hoạt động của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, theo đó các đơn vị thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm mua vaccine cấp cho các địa phương. Bộ Y tế có trách nhiệm trả lời công chúng về quá trình mua vaccine có đúng quy định? Chất lượng vaccine có đảm bảo hay không? Tỉnh Quảng Trị có dùng đủ kinh phí mà Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã cấp hay không?

Bên cạnh trách nhiệm chuyên môn, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, vậy Bộ phải chịu trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động y tế địa phương. Đây là nhiệm vụ không thể từ chối. Thực tế, Quốc hội có Nghị quyết 18 về tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng nhưng các địa phương chưa thực sự quan tâm... Rất tiếc vụ việc này UBND tỉnh Quảng Trị lại không hề lên tiếng…

Sẽ có số điện thoại nóng cho 1.400 bệnh viện

Trong cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp cuối năm (được tổ chức cùng ngày), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Trong năm 2013, mặc dù có nhiều khó khăn, những sự cố ngoài mong muốn dồn dập xảy ra nhưng nhìn một cách toàn diện, ngành y đã có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Nghị định đổi mới tài chính, một loạt các thông tư về khám chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân với những hình thức xử phạt nghiêm khắc. Chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt” bắt đầu đi vào cuộc sống; Các chương trình giảm tải bệnh viện cũng đã phát huy tốt.

Đường dây nóng của Bộ đã đi vào cuộc sống, là nơi để người dân phản ánh những bức xúc của mình qua đó cán bộ y tế điều chỉnh lại hành vi thái độ, lấy lại niềm tin đối với người bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ cấp số điện thoại cho 1.400 bệnh viện trên cả nước.

“Để nói về những thành tựu của ngành y thì rất nhiều, nhưng dư luận thời gian qua hầu như chỉ chú ý tới những mặt chưa tốt. Song đó cũng là một dịp để ngành y tự soi lại chính mình. Ngành y rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm để đội ngũ hơn nửa triệu người mặc áo trắng có thêm sức mạnh, cống hiến nhiều hơn cho người bệnh. Trong cuộc đời, ai cũng có lần cần đến sự chạm tay của người thầy thuốc. Vì vậy, dư luận cần công bằng và khách quan hơn đối với ngành y...”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý