Cảnh giác khi ăn côn trùng

Côn trùng là món nhậu được cánh mày râu yêu thích

Thực phẩm sạch cũng gây ngộ độc chỉ vì đông lạnh không đúng cách

Ăn côn trùng như thế nào để không hại sức khỏe

Thuốc chữa sẩn ngứa do côn trùng đốt

Ai mà ngờ những món ngày nào bạn cũng ăn chứa đầy giun sán

Thực phẩm bổ dưỡng, nhưng là con dao 2 lưỡi

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa khuyến cáo nên ăn côn trùng để tăng dinh dưỡng, giải quyết nạn đói, giảm ô nhiễm môi trường. Theo FAO, hiện nay con người mới khai thác một phần nhỏ tiềm năng “ẩm thực” từ côn trùng, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ về khủng hoảng lương thực vẫn đang đe dọa thế giới.

Ảnh minh hoạ: Internet

Mặc dù nghe đến ăn côn trùng có vẻ như là một món ăn kinh dị và khá ít người ăn được, nhưng hiện tại một số vùng ở Việt Nam cũng như các nhà hàng hiện nay việc chế biến côn trùng thành món ăn khá được ưa chuộng.

Tuy nhiên, gần đây đã có rất nhiều vụ dị ứng, ngộ độc, thậm chí là tử vong do ăn côn trùng. Trường hợp bốn nạn nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải đi cấp cứu khẩn cấp do ngộ độc ve sầu (ngày 24/4). Bốn nạn nhân gồm: ông N.V.L. (63 tuổi), ông P.V.X. (57 tuổi), ông V.V.L. (35 tuổi) và ông L.V.C. (50 tuổi).

Hay như trường hợp ngộ độc tập thể của 3 trường hợp bệnh nhân nhí ở Lai Châu phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bọ xít hồi cuối năm ngoái cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Những bệnh nhân này có những biểu hiện kích thích thần kinh, nói lảm nhảm và có nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này.

Qua những vụ việc trên, có thể cảnh báo về mối nguy hại của việc ăn côn trùng vô tội vạ, không đúng cách sẽ mang đến những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe.

BS. Đặng Huyền Nga (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết, nhiều loại côn trùng có chứa nọc độc như bọ cạp, ong, nhện... trong khi kiến thức của người dân về chế biến các loại côn trùng này hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm. Do đó sẽ không loại bỏ hết độc tố, khi ăn vào có thể gây dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc cấp tính, thậm chí là gây tử vong.

Ngoài ra, bác sĩ Nga cũng khuyến cáo, trong cơ thể nhiều loại côn trùng còn có thể bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh. Nếu ăn phải côn trùng bị nhiễm nấm độc có thể bị ngộ độc và dị ứng nghiêm trọng. Vì thế, để côn trùng trở thành món ăn bổ dưỡng, cần phải lưu ý các quy trình chế biến, dùng đúng cách, đúng thời điểm…

Có những loài côn trùng chứa độc chất nhất định, có thể gây hại cho con người. Chẳng hạn, bọ cạp có nọc độc, nếu không biết cách chế biến để ăn (hoặc ngâm rượu uống) sẽ rất nguy hiểm.

BS. Trịnh Kim Dung (Bệnh viện Bưu điện Tp.HCM) cho rằng, đa số những trường hợp ngộ độc do côn trùng là bắt nguồn từ việc người dân có sở thích đi bắt các loại côn trùng như dế, ve, nhộng sâu, đuông dừa, bọ cạp… đem về rửa sạch rồi chiên. Tuy nhiên, chính thói quen này đã làm nhiều người mất cảnh giác vì không biết rằng, nếu đào hoặc bắt từ dưới lòng đất lên rất có thể các loại côn trùng này đã bị nhiễm nấm cực độc.

Cũng theo kết quả của một nghiên cứu trước đó tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM cho thấy, nhộng ve sầu và các loài côn trùng như dế, đuông dừa, bọ cạp… có chứa các protide. Khi chúng sống trong môi trường đất có nhiều bào tử nấm, gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, bào tử nấm sẽ nhiễm vào các con côn trùng và phát triển. Nấm độc sẽ biến thân mình của côn trùng thành nơi chứa đầy các sợi tơ độc. Nếu ăn phải và không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và công bố loài côn trùng nào làm thực phẩm thì có lợi hay có hại cho con người. Hiện nay, nhiều người chế biến côn trùng làm thức ăn chỉ bằng kiến thức cá nhân và kinh nghiệm dân gian nên khó bảo đảm an toàn.

Cách nhận biết các loại công trùng độc

Theo BS. Tiêu Văn Linh (Chi cục ATTP Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Đa số người dân khi bắt nhộng ve sầu về đã không quan sát thấy hình dáng lạ, nghi ngờ của nhộng ve sầu mà chỉ sơ chế qua rồi cho lên chiên giòn và đưa vào bàn nhậu. Chính sự chủ quan đó là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc do ăn nhộng ve sầu tương tự vụ ngộ độc tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mọi người nếu phát hiện nhộng ve sầu đã chết có thân cứng, phủ một lớp màu trắng giống phấn trên mình nhộng, trên đầu có một hoặc nhiều sợi giống nấm màu nâu đỏ, bẻ đôi con nhộng thấy mình nhộng đã có hiện tượng giống như hóa vôi thì chắc chắn đó là nhộng không ăn được cần phải loại bỏ ngay. Tuyệt đối không được sử dụng nhộng ve sầu và các loại côn trùng khi chúng đã chết và có hiện tượng bị nhiễm nấm, nhộng ve có hình dáng bất thường.

Nhộng tằm có lẽ là món phổ biến hơn cả tại các địa điểm chợ và được người dân khá ưa chuộng. Tuy nhiên, một số người bán hàng đã sử dụng một số thủ thuật như ngâm, tẩm nhộng tằm qua một số hóa chất để nhộng tằm trông ngon mắt hơn. Chính những hành vi này đã gây nhiễm độc cho nhộng tằm và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

BS. Dương Thị Thanh (Phòng dinh dưỡng điều trị, Bệnh Viện Bạch Mai) cho biết, nhộng tằm là thức ăn rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, protit của nhộng tằm không như protit trong thịt cá, bảo quản không được lâu nên dễ bị ôi hỏng. Một nguyên nhân nữa là có thể người bán hàng đã ngâm nhộng tằm trong natri sunfit để nhộng căng, trông đẹp mắt.

Để chọn nhộng tằm còn tươi, cần lưu ý, nhộng có màu vàng ươm, bóng, thịt bên trong trắng ngà và trắng đều, các đốt trên thân không bị rời ra, liên kết không bị lỏng lẻo. Còn nhộng đã để lâu ngày sẽ đổi màu, bị thâm lại, khi bẻ ra các đốt có sự rời rạc. Ngoài ra, nhộng đã để lâu ngày thì có màu vàng nhạt hơn nhộng tươi. Mua về bạn cũng nên nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 - 50C.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc

Một số bước sơ cứu khi bị ngộ độc côn trùng:

 - Khi có người nhà bị ngộ độc cần tìm mọi cách để bệnh nhân nôn ra hết số thức ăn trong bụng như móc họng hoặc lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng.

- Cho người bệnh uống than hoạt tính để hấp phụ chất độc trong ống tiêu hoá càng sớm càng tốt (người lớn cho uống 20 - 30g pha với 200ml nước sạch, quấy đều).

- Nếu không có than hoạt tính có thể thay bằng đậu xanh giã nát hoặc nước ngô non… sau đó chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày và dùng các thuốc giải độc.

- Hãy gửi tất cả các chất nôn của bệnh nhân đến bệnh viện để xét nghiệm và tìm ra chất độc giúp bác sỹ có cơ sở để điều trị đúng hướng và nhanh nhất.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phòng bệnh chủ động