Tuyệt đối không ăn ấu trùng, côn trùng đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên
4 điều cấm khi dùng ấu trùng, côn trùng làm thức ăn
Ăn côn trùng: bổ hay "bổ chửng"?
Có thể rước họa vì “mốt” ăn côn trùng?
Rùng mình phát hiện sữa chứa côn trùng
ThS Nguyễn Viết Hải - Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, món ăn côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao bởi có nhiều acid amin, không cholesterol, hàm lượng các loại vi chất cũng rất cao. Đây cũng là nguồn thực phẩm sạch, không để lại dư lượng và không mang các dịch bệnh cho con người. Trên thế giới, có hơn 1.000 loài côn trùng có thể ăn được như dế mèn, bọ cạp, rết, sâu, nhộng… Tuy nhiên nếu chế biến không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc và gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại nhiều địa phương gần đây đã ghi nhận một số vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng như cào cào, kiến, châu chấu, nhộng tằm, ong, mối, nhộng ve sầu… để chế biến món ăn.
Côn trùng có thành phần protein và chất dinh dưỡng cao hơn so với thịt, cá
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: Buồn nôn, nôn, chóng mặt, cứng hàm, run tay chân, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân, co giật tay chân, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê và có thể tử vong.
Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn. Những người có thể trạng yếu như người già, trẻ em, phụ nữ có thai… thường bị nặng hơn.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân là do người dân ăn phải côn trùng đã chết sinh ra độc tố, côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía... Đặc biệt, với nhộng ve sầu, do sống dưới đất nên chúng có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh nên dễ gây ngộ độc cấp tính nặng cho người sử dụng dù đã qua chế biến.
Nhiều người dân bắt và chế biến côn trùng làm thức ăn chỉ bằng kiến thức cá nhân và kinh nghiệm dân gian nên khó bảo đảm an toàn. Cần phải nhận biết được đâu là côn trùng mang mầm bệnh, đâu là cách chế biến an toàn khi sử dụng loại thực phẩm đặc biệt này.
Ví dụ như nhộng ve sầu, nếu là loại đã chết có thân cứng, phủ một lớp màu trắng giống phấn trên mình nhộng, trên đầu có một hoặc nhiều sợi giống nấm màu nâu đỏ, bẻ đôi con nhộng thấy mình nhộng đã có hiện tượng giống như hóa vôi thì chắc chắn đó là nhộng đã nhiễm nấm độc, tuyệt đối không được ăn.
Nhộng ve sầu sống dưới đất nên chúng có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh nên dễ gây ngộ độc
Nhộng tằm, châu chấu, là những nguyên liệu phổ biến, được bày bán nhiều ở các chợ được người dân khá ưa chuộng. Tuy nhiên, một số người bán hàng đã sử dụng một số thủ thuật như ngâm, tẩm nhộng tằm qua một số hóa chất để nhộng tằm, châu chấu trông ngon mắt hơn. Chính điều này này đã gây nhiễm độc cho côn trùng và gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại côn trùng làm thức ăn bằng cách:
- Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
- Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
- Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: Ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết; Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; Để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh…
- Khi có người bị ngộ độc côn trùng, cần tìm cách làm cho bệnh nhân nôn hết thức ăn ra. Cho người bệnh uống than hoạt tính hoặc đậu xanh giã nát hay nước ngô non để hấp thụ chất độc trong cơ thể người bệnh. Sau đó nhanh chóng chuyển người bệnh tới bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc tốt nhất.
Bình luận của bạn