Thuốc mỡ để điều trị sẩn ngứa do côn trùng đốt
Một số thuốc sau có thể dùng để điều trị sẩn ngứa do côn trùng đốt như:
Cồn iốt: được dùng để chấm vào những sẩn tịt ban đầu sau khi đã được nặn nhẹ máu ra. Tuy nhiên cần lưu ý, thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, dị ứng như viêm da do iốt, đốm xuất huyết (không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với iốt). Dùng chế phẩm nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn (vị kim loại, tăng tiết nước bọt, đau rát hơn).
Các dung dịch màu (dung dịch xanh metylen 1%, dung dịch tím metin 1%): Dùng để bôi vào các sẩn chợt nhiễm khuẩn. Các thuốc này có tính sát khuẩn tại chỗ để phòng chống bội nhiễm.
Kem, mỡ kháng sinh kết hợp corticoid: Thường được dùng cho các tổn thương viêm, nhiễm trùng, khi tổn thương khô. Không bôi thuốc dạng này khi tổn thương còn đang chảy dịch. Bôi thuốc ngày 2 lần.
Thuốc mỡ salicylic: Đây là loại thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da... được dùng bôi vào các sẩn cục. Bôi axit salicylic tại chỗ trên da với lượng vừa đủ lên vùng da cần điều trị, xoa nhẹ, 1 - 3 lần/ngày. Mặc dù axit salicylat dùng tại chỗ ít được hấp thu hơn nhiều so với uống nhưng vẫn có thể xảy ra phản ứng phụ. Ðể hạn chế sự hấp thu acid salicylic, không nên dùng thời gian dài, nồng độ cao, bôi trên diện rộng hay bôi trên vùng da bị viêm hoặc nứt nẻ. Các tác dụng phụ thường gặp khi bôi thuốc là cảm giác bị châm đốt, kích ứng da nhẹ.
Thuốc chống dị ứng chlopheniramin: Được dùng uống để chống ngứa. Nhưng thuốc có tác dụng an thần từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng, chóng mặt… nên khi dùng thuốc cần tránh làm việc đòi hỏi sự tỉnh táo như làm việc trên cao, lái xe… Ngoài ra, có thể dùng kem chống ngứa bôi tại chỗ như promethazin. Thuốc có tác dụng làm giảm ngứa, hạn chế phản ứng cào gãi nên giảm viêm nhiễm, giảm lan rộng tổn thương. Bôi thuốc ngày 2 - 3 lần.
Để phòng bệnh ở vùng có côn trùng hoặc đi qua vùng có côn trùng cần mặc quần áo dài che kín, đi giầy tất và xoa dầu Dep chống côn trùng đốt.
Bình luận của bạn