Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại khóa tập huấn Ảnh: Dương Ngọc
Luật BHXH mới: Công nhân về già có lương hưu
Chây ì đóng BHXH bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Sẽ thay đổi cách tính BHXH theo đúng mức lương thực tế
BHYT 2015: Người dân được thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Hơn 100 phóng viên, biên tập viên của 100 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã tham gia khóa tập huấn này. Chương trình này được tổ chức nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc định hướng dư luận về công tác tuyên truyền việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” và Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2015 - 2020.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Đỗ Thị Xuân Phương, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, đảm bảo quyền lợi an sinh cơ bản của người dân, người lao động đồng thời đã góp phần thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Xuân Phương cũng thẳng thắn cho rằng trên thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT cụ thể như: Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều bất cập; Việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT chưa phát huy hết hiệu quả; Diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động; Số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 70% dân số; Và đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT ngày một phổ biến, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn… Tính đến hết quý I, số nợ BHXH, BHYT đã tăng lên 12.035 tỷ đồng (bằng 6,4% so với tổng số phải thu, tăng 847,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014).
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Phan Huy Hiền nhấn mạnh, trong quá trình đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vào cuộc sống, các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước đã bám sát thực tế đời sống để tuyên truyền những kết quả của chính sách BHXH, BHYT đạt được trong thời gian qua; Góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành và địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH, BHYT. Mặt khác, báo chí cũng là kênh thông tin tích cực trong việc phản ánh những mặt bất cập, hạn chế, yếu kém cũng như nguyên nhân thực hiện chưa tốt, kém hiệu quả trong quá trình triển khai các chính sách về BHXH, BHYT; Đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất về những giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác BHXH, BHYT; Góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân của người dân, người lao động…
Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, phản biện của báo chí là kênh thông tin góp phần hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT cho sát với thực tiễn, cụ thể trong việc xây dựng và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 và 8, Quốc hội khóa 13 năm 2014.
Bình luận của bạn