Lương hưu không đủ "nuôi" bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Khi nào bệnh nhân COPD cần thở oxy?
Bệnh nhân COPD lưu ý khi sử dụng thuốc corticoid
Khám bệnh COPD, hen phế quản ở đâu uy tín và chất lượng?
Khám COPD miễn phí: Quy trình nhanh và khoa học tại Bệnh viện Bạch Mai
Gặp người giáo viên ấy ở một buổi khám miễn phí bệnh phổi ở Bạch Mai, với dáng dấp nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, tôi thậm chí còn không nhận ra đây là một bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD năm nay đã 73 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà P.T.C (Định Công – Hà Nội), vẫn cố gắng đến Bạch Mai để khám bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của mình, căn bệnh tưởng như đã cướp đi mạng sống của bà nhiều lần trong hai mươi năm mắc bệnh nhưng vẫn chưa thành công.
Các bệnh nhân mắc bệnh COPD trong một buổi khám miễn phí của Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Tiêu Bắc/H+)
Nguyên nhân chủ yếu khiến bà mắc COPD thật dễ hiểu: Bụi phấn. Trở về quá khứ hơn 20 năm về trước, bà C kể hồi đó dạy học làm gì đã có phấn không bụi. Mỗi lần viết bảng, bụi phấn rơi xuống như tuyết rơi dày đặc. Những giáo viên như bà mỗi lần viết bảng là lại ngửa cổ lên, nhìn những hạt bụi phấn ấy rơi xuống. Vậy nên mới có câu hát “bụi phấn trắng bay bay trên tóc thầy”.
Khi nghỉ hưu, bà C mới thấy mình bắt đầu có các triệu chứng khó thở, đi khám thì các bác sỹ bảo đó là bệnh hen phế quản, phát thuốc cho bà uống. “Họ phát thuốc cho tôi uống, gọi là thuốc T gì đó. Thuốc này rẻ nhưng khi uống vào tôi không thấy nhiều tác dụng lắm mà uống nhiều nghe nói nó còn gây rão cổ họng nên tôi bỏ rồi”, bà C chia sẻ. Chỉ khi dùng thuốc xịt phòng cơn hen và COPD cấp, bà mới thấy đỡ. Lúc đấy, đi khám lại, bác sỹ mới biết bà mắc bệnh COPD.
“Khó khăn lắm chú ạ. Tôi với nhà tôi đều là giáo viên về hưu sớm. May mà chồng tôi không có bệnh gì. Mỗi tháng lương hưu 2,5 triệu của tôi chắc vừa đủ tiền thuốc nếu mà nhập viện thì…” bà C vừa kể vừa giơ ra lọ thuốc xịt màu hồng. Bà bảo, người ta khuyến cáo xịt hai cái mỗi lần, nhưng bà chỉ xịt một lần thôi cho tiết kiệm. Một lọ thuốc này có giá là 300.000 đồng…
Đã có lúc bà cảm thấy khó thở tưởng chừng như sắp chết. Bà nói với anh con trai duy nhất của mình: “Mẹ khó thở quá, mẹ sắp chết rồi con ơi”. Anh con trai đưa bà đi viện cấp cứu.
Mỗi lần nhập viện điều trị cơn COPD cấp là mỗi lần tài sản trong nhà bà C lần lượt ra đi. Chi phí mỗi đợt điều trị lên đến hơn 30 triệu đồng. Bà C bảo: “May mà tôi còn có bảo hiểm chi trả, chứ nếu không chả biết còn nhà mà ở không”. Bác sỹ điều trị cho bà còn bảo, thế là ít. Bệnh nhân nặng có khi mỗi năm phải điều trị 2 – 3 lần, mỗi lần tốn đến gần 50 triệu đồng ấy chứ.
Nói đến đây, nước mắt bà chảy xuống. Từ ngày mắc bệnh, bà chẳng còn đi chơi đâu xa được nữa. Công việc thì hoàn toàn nhờ cậy vào gia đình. Đến việc đi lại của bà cũng còn gặp khó khăn nói gì đến làm việc. Bà bảo: “Căn bệnh này thật đáng sợ chú ạ. Tôi chẳng làm được gì còn mất bao nhiêu tiền chữa trị. Nếu không phải muốn chơi với con cháu, chắc tôi cũng buông xuôi rồi”.
Chia tay bà C, tôi hứa sẽ gọi điện thoại cho bà khi có các chương trình khám miễn phí bệnh phổi được tổ chức. Nhìn bà đi về, tôi thầm nghĩ mình thật may mắn vì chưa mắc căn bệnh nguy hiểm này, căn bệnh khiến cho hàng triệu người Việt Nam đang phải loay hoay xoay tiền để tìm cách sống chung với nó, thậm chí tử vong, mỗi năm.
Bình luận của bạn