Củ cải muối: Củ cải trắng giòn và mọng nước, vị hăng nhẹ nên rất dễ chế biến thành các món muối chua. Bạn có thể làm món muối chua từ củ cải và cà rốt, để ăn kèm món ăn mặn nhiều dầu mỡ như cơm tấm, thịt nướng. Đây cũng là nguyên liệu chính để làm món củ cải muối vàng kiểu Hàn Quốc.
Bánh củ cải trắng: Củ cải trắng lại chứa khá ít tinh bột, thích hợp cho người muốn kiểm soát cân nặng. Bạn có thể bào mỏng củ cải, trộn cùng trứng và bột mì để chế biến thành món bánh chiên thơm ngon, lạ miệng.
Canh xương hầm củ cải: Củ cải trắng nấu cùng canh giúp nước dùng trong và có vị ngọt thanh. Bạn chỉ cần chuẩn bị nước hầm xương lợn, nấu cùng củ cải trắng và các loại rau mùa Đông như su su, hầm đến khi có độ mềm vừa vặn, dễ ăn.
Củ cải kho: Củ cải trắng mọng nước nên rất dễ ngấm gia vị, đặc biệt khi làm các món kho cùng thịt. Nếu bạn ăn chay, củ cải trắng còn có thể kho cùng các nguyên liệu như đậu phụ, nấm đùi gà, cà tím… Lưu ý dùng nước tương hoặc thắng đường làm nước màu để củ cải có màu đẹp mắt.
Củ cải trắng xào mì: Với một dụng cụ bào rau củ, bạn có thể bào củ cải trắng thành sợi dài, to bản như sợi mì Ý dẹt fettuccine. Khi đó, bạn có thể xào mì củ cải với trứng hoặc với nước sốt cà chua, rắc thêm phômai.
Lưu ý: Không nên ăn quá nhiều củ cải sống, ăn liên tục trong thời gian dài. Trong Đông y, củ cải trắng có tính hàn. Người đang uống thuốc hoặc người có cơ thể yếu ớt, chân tay dễ bị lạnh thì nên chọn lựa phương pháp nấu chín sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Người bệnh khi đang dùng các loại thuốc bổ có nhân sâm, cần kiêng củ cải để tránh làm giảm tác dụng của thuốc.