7 tình trạng da liễu phổ biến khiến da mẩn ngứa

Da nổi mẩn đỏ ngứa là dấu hiệu của các bệnh da liễu thường gặp như zona thần kinh, bệnh chàm...

Cẩn thận nhiễm trùng da do nước vùng bão lũ

“Bỏ túi” cách xử trí bệnh hắc lào tại nhà nhanh chóng

Cách giảm đau sau zona thần kinh hiệu quả

Ngực nổi mẩn đỏ có phải dấu hiệu ung thư vú?

Phát ban hay nổi mẩn ngứa là những mảng hoặc chấm da màu đỏ, hồng nhạt xuất hiện khi có hiện tượng viêm da do dị ứng hoặc các bệnh nhiễm trùng. Các triệu chứng đi kèm với phát ban thường là ngứa và nổi mụn nước.

Xác định đúng nguyên nhân dẫn đến phát ban giúp bạn tìm được biện pháp phù hợp để điều trị triệu chứng nổi mẩn đỏ. Một số bệnh da liễu gây phát ban đỏ có thể là tình trạng mạn tính, cần được chẩn đoán tại các cơ sở y tế. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết một số dạng phát ban thường gặp nhất:

Bệnh chàm (eczema)

Eczema khiến da nổi mẩn đỏ ngứa ngáy theo mảng

Chàm (hay còn gọi là eczema, viêm da cơ địa) là bệnh da liễu khiến da nổi mẩn đỏ theo từng mảng và rất ngứa ngáy. Mụn nước có thể phát triển theo từng đợt và rất hay tái phát, da bị khô căng rất khó chịu.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm khá phức tạp, tuy nhiên thường gặp nhất là do các yếu tố: Di truyền, dị nguyên (thay đổi thời tiết đột ngột, dị ứng với quần áo, phấn sáp), suy giảm hệ miễn dịch.

Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh chàm có thể trở thành bệnh mạn tính, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh.

Viêm da tiếp xúc

Vùng da bị viêm da tiếp xúc khi chạm vào trang sức, kim loại

Viêm da tiếp xúc là biểu hiện phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với tác nhân nào đó có khả năng gây kích ứng hay dị ứng. Có 2 loại viêm da tiếp xúc là viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một phản ứng miễn dịch của cơ thể với một số dị nguyên như: Bụi, phấn hoa trong không khí, nikel và một số hóa chất, chất độc của côn trùng (kiến ba khoang), bào tử nấm mốc… Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với dị nguyên, gây ra những mảng đỏ, ngứa, phù nề, có thể có mụn nước tại vị trí tiếp xúc và có thể lan rộng ra vùng da khác.

Viêm da dầu (viêm da tiết bã)

Viêm da tiết bã trên mặt gây ra từng mảng da đỏ, tróc vảy

Viêm da tiết bã là bệnh lý khiến da có biểu hiện đỏ, khô, tróc vảy. Vùng da hay bị ảnh hưởng bởi bệnh thường có tuyến bã hoạt động mạnh mẽ như: Mặt, da đầu, ngực, lưng. Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da tiết bã vẫn chưa được hiểu rõ, chỉ biết bệnh có liên quan đến: Di truyền, phản ứng bất thường của hệ miễn dịch hoặc do nấm Malassezia xuất hiện trong lớp dầu trên da.

Nấm ngoài da

Vùng da bị hắc lào tạo thành hình tròn gồm các cụm mụn ngứa ngáy

Nấm ngoài da hay hắc lào là bệnh ngoài da do vi nấm gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên và trung niên, nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân mắc bệnh hắc lào là do: Vệ sinh thân thể kém trong khi cơ thể có nhiều mồ hôi, tắm nước bẩn, tạo điều kiện cho vi nấm dễ dàng gây bệnh.

Hắc lào có thể lây nhiễm qua tiếp xúc da, mặc chung quần áo, dùng chung đồ sinh hoạt, quan hệ tình dục với người nhiễm.

Mề đay

Mề đay gây ra các ban trắng hoặc ban đỏ trên toàn cơ thể

Mề đay là tình trạng phản ứng của các mao mạch dưới da, niêm mạc trước các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, gây nên hiện tượng phù tại chỗ, làm da bị phồng lên, kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Mề đay có thể là dạng cấp tính (kéo dài không quá 6 tuần) hoặc mạn tính (kéo dài trên 6 tuần). Có nhiều nguyên nhân gây bệnh mề đay như dị ứng thực phẩm, tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc lạnh, stress, côn trùng đốt...

Nhiễm trùng da do herpes

Nhiễm trùng da do virus herpes ở miệng

Virus herpes simplex (HSV) có thể gây ra bệnh nhiễm trùng da (mụn rộp), ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể người bệnh và có khả năng lây nhiễm rất cao. Herpes có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau của cơ thể, phổ biến nhất trên bộ phận sinh dục hoặc miệng. Vùng da bị nhiễm trùng có biểu hiện lở loét phồng rộp, ngứa ngáy.

Zona thần kinh

Zona thần kinh gây các đám mụn nước nhỏ, bọng nước tập trung thành từng chùm

Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng do virus thủy đậu Varicella-zoster gây ra. Ở người khỏi bệnh thủy đậu, virus này vẫn có thể tồn tại ở hệ thần kinh trong nhiều năm trước khi tái hoạt lại gây ra bệnh zona.

Dấu hiệu nhận biết zona thần kinh là cảm giác đau và nóng rát da. Cơn đau thường xảy ra ở một bên cơ thể và xuất hiện từng mảng phát ban đỏ trên da. Sau đó, các mụn nước chứa đầy dịch, dễ vỡ và gây ngứa ngáy.

Quỳnh Trang H+ (Theo Everyday Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu