Đa số trẻ tự kỷ là bé trai

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết,ước tính có khoảng 1 trên 88 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tại Mỹ, nhiều hơn cả tỷ lệ ung thư, tiểu đường và AIDS ở trẻ em kết hợp lại. Trong 2 năm vừa qua, con số này gia tăng thêm 23%.

Nghiên cứu cho thấy số trẻ trai mắc tự kỷ nhiều hơn trẻ gái, và tỷ lệ được chẩn đoán cao hơn 3-4 lần so với trẻ gái. "Riêng tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ này là 10:1", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Bé trai có nguy cơ mắc tự kỷ thường cao hơn nhiều lần so với bé gái. Ảnh: Lê Phương.
Bé trai có nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn nhiều lần so với bé gái. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Thanh, tự kỷ không phải một rối loạn chỉ có một nguyên nhân mà thường là một nhóm nguyên nhân. Trong hầu hết trường hợp, tự kỷ có thể được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ di truyền tương tác với các yếu tố nguy cơ của môi trường. Ngoài ra, việc tiếp xúc với các tác nhân môi trường như tác nhân gây bệnh (rubella hoặc cytomegalovirus từ mẹ) hoặc chất hóa học trong thai kỳ có thể gây ra tự kỷ... Như vậy, nguyên nhân gây tự kỷ rất phức tạp, nhưng rõ ràng không phải do việc nuôi dưỡng không tốt như nhiều người quan niệm sai lầm.

Mặc dù tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, kéo dài suốt đời và hiện chưa thể chữa lành nhưngcác triệu chứng của tự kỷ có thể thay đổi theo thời gian. Hầu hết cá nhân mắc tự kỷ đều có thể phát triển việc phát âm và học cách giao tiếp với người khác. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp cải thiện rõ rệt sự phát triển của trẻ em. Nếu đứa con đầu lòng bị mắc bệnh thì tỷ lệ đứa con tiếp theo mắc là khoảng 5%.

Trẻ rối loạn tự kỷ điển hình gồm 3 nhóm triệu chứng:

- Nhóm khiếm khuyết tương tác xã hội gồm trẻ không tiếp xúc mắt, khiếm khuyết hành vi không lời, không chia sẻ, không chơi với bạn.

- Nhóm khiếm khuyết giao tiếp bao gồm trẻ không nói hoặc chậm nói, có thể nói rồi nhưng sau đó dừng nói, trẻ khó khởi xướng câu chuyện, hay nhại lại câu hỏi, không biết chơi trò giả bộ.

- Nhóm hành vi rập khuôn bao gồm trẻ hay có thói quen cứng nhắc như chỉ ăn một vài món ăn, duy trì thói quen sinh hoạt có phần kỳ lạ vào những giờ cố định, cử động lặp đi lặp lại, quan tâm đến chi tiết đồ vật. Nhiều trẻ có khả năng bất thường như thích đọc sách, có thể đọc vanh vách không cần đánh vần nhưng trẻ không hiểu được.

Có nhiều dấu hiệu nhận biết sớm những bất thường ở trẻ. Thông thường, trẻ tự kỷ có thể kết hợp đặc điểm với mức độ nặng nhẹ khác nhau:


Ảnh minh họa.

- Cười không phù hợp hoàn cảnh.

- Không sợ nguy hiểm, không có cảm giác đau.

- Có thể không muốn ôm ấp, đụng chạm, rất khó để cắt tóc, cắt móng tay, gội đầu cho trẻ.

- Duy trì sự chú ý bất thường hoặc chơi rập khuôn, các kỹ năng ngôn ngữ và thể chất không đồng đều.

- Có thể tránh né ánh mắt, thích ở một mình, khó tương tác với người khác.

- Khó khăn khi thể hiện nhu cầu, có thể chỉ dùng cử chỉ.

- Gắn bó quá mức với một đối tượng nào đó, thích những điều không đổi, lặp lại từ hoặc cụm từ.

- Có phản ứng không phù hợp hoặc không có phản ứng với âm thanh.

- Xoay tròn đồ vật hoặc tự xoay.

Bác sĩ Thanh chia sẻ, khi mới nghe chẩn đoán con tự kỷ, phụ huynh thường trải qua nhiều trạng thái tâm lý như choáng váng, đau khổ, buồn bã, tức giận, phủ nhận "hung tin".Nhiều cha mẹ cảm thấy hụt hẫng vì mất hết hy vọng và mơ ước mà họ dành cho con mình trước khi họ có thể bước tiếp. Những trạng thái cảm xúc này là dễ hiểu vì việc chấp nhận con mang bệnh tức là đối diện với sự thật phải giã từ đứa con lành lặn, khỏe mạnh, không biết phải xử lý như thế nào, nuôi dạy con làm sao. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có cách giải quyết. Cần cho bản thân thời gian để điều chỉnh, kiên nhẫn với mình.

Nếu phụ huynh cảm thấy nỗi buồn bã làm ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề, hoặc cảm thấy các triệu chứng khác của trầm cảm, chẳng hạn giảm cân, rút lui khỏi các hoạt động xã hội, có ý nghĩ tự tử, khó ngủ, mất tự tin, giảm các hứng thú trong sinh hoạt hàng ngày…, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý.

Khi trẻ được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi can thiệp ngay. Nên tham gia vào một nhóm tương trợ để cả trẻ và bố mẹ đều nhận được sự chia sẻ tốt nhất.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ