Bê thui Cầu Mống, muốn ngon phải ăn đúng nơi, đúng điệu

Không thể xuề xòa khi thưởng thức các món đặc sản như bê thui Cầu Mống.

Sáng sớm đi chợ cá, trải nghiệm thú vị khi đến Đà Nẵng

Khám phá “Staycation” – Trào lưu du lịch mới toanh của giới trẻ Việt

Chuẩn bị đồ ăn gì cho trẻ khi đi du lịch?

Nên “vi vu” du lịch biển ở đâu trong mùa Hè này?

Hà Nội cách Quảng Nam tới gần 850km. Ấy thế nhưng món đặc sản bê thui Cầu Mống tưởng như chỉ có ở Quảng Nam hay tỉnh lân cận là Đà Nẵng lại xuất hiện nhan nhản ở Thủ đô. “Không cần đi đâu xa bạn cũng có thể thưởng thức hương vị xứ Quảng”, “bê thui Cầu Mống chính hiệu xứ Quảng”, thưởng thức đặc sản bê thui xứ Quảng tại Thủ đô”… bạn có thể dễ dàng bắt gặp hay được nghe vô vàn lời quảng cáo như vậy về món ăn này ngay tại Hà Nội. Nhưng thực sự mà nói, nếu đã thưởng thức món ăn này tại nơi xuất xứ, bạn thật khó cảm nhận được hương vị tương tự ở bất kỳ nơi nào khác.

Là người từng ăn, xuýt xoa và mê mệt món bê thui Cầu Mống khi ăn ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tôi đã thử tìm lại hương vị ấy tại khá nhiều quán từ tới Hà Nội tới TP.HCM. Nhưng thực sự mà nói, chưa lần nào có thể cảm nhận được cái hương vị xứ Quảng. Có quán trình bày đẹp, đồ tươi đúng quảng cáo nhưng ăn lại dai nhách, bì nhay không đứt, có nơi thịt bê lại quá bở, quá chín, đồ gia giảm, ăn kèm thiếu hoặc không phù hợp, đặc biệt là món mắm chấm thì phải nói là khác một trời, một vực so với phiên bản gốc.

Bê thui Cầu Mống có thể gặp từ quán bình dân đến quán sang ở khắp các tỉnh thành - Ảnh: Đức Bình

Bê thui Cầu Mống có thể gặp từ quán bình dân đến quán sang ở khắp các tỉnh thành - Ảnh: Đức Bình

Bê thui Cầu Mống ngon vì đâu, tại sao phải ăn tại nơi, tại chỗ?

Bê thui Cầu Mống là món đặc sản có xuất xứ từ làng Cầu Mống, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Món bê thui Cầu Mống của người Quảng Nam là món ăn đặc biệt không thể lẫn vào đâu được từ cách thức chế biến đến hương vị, cách ăn đều mang đậm bản sắc miền Trung.

Theo chia sẻ của người anh đầu bếp chính quán một bê thui Cầu Mống ở Núi Thành, Đà Nẵng, tôi có cơ hội làm quen ở chuyến du lịch vừa qua, để làm được món bê thui chính hiệu này là cả một sự cầu kỳ. Anh cho biết từ cách chọn bê cho đến cách thui, độ chín và tổng hợp những thứ đồ ăn kèm, tất cả đều phải hoàn hảo và chuẩn chỉnh. Cụ thể như bê phải chọn nhưng con khoảng 25-30kg, phải được nuôi thả tự nhiên, được cho ăn thêm mía để thịt ngon ngọt, thơm hơn bất kỳ nơi nào. Khi thui bê, than phải có độ nóng ổn định để bê chín dần, thịt bên trong chín mềm và ngọt, phần bì (da) ngoài vàng, phía trong phải trong ăn vừa giòn, vừa dẻo.

Khi thui đến độ chín chưa phải đã xong, thịt bê phải khi nào có khách ăn mới thái. Anh đầu bếp bảo phải lựa con dao thật bén, thái miếng nào ngọt miếng đó, phải đủ cả bì, cả thịt. Phần thịt thái bày lên đĩa có màu sắc trắng hồng, hơi đỏ mới là đúng độ chín. Quan trọng hơn nữa là những đồ gia giảm đi kèm phải có đủ bánh tráng Đại Lộc dẻo dai, chanh tươi, thính, rau sống gồm cải non, giá, tía tô, húng, rau má, xoài xanh bào, dưa chuột bào, thêm một ít lá bắp cải thái sợi cũng được và thêm một ít chuối chát bào mỏng. Dĩ nhiên không thể thiếu đĩa tỏi tươi, ớt xanh Đà Nẵng. Nghe đơn giản vậy nhưng chẳng phải chỗ nào cũng sắm được đủ vị đâu.

bê thui1

Thiếu mắm cá cơm, bê thui Cầu Mống trở nên xoàng xĩnh. Việt Nam vô cùng đa dạng về gia vị và mỗi mâm cỗ cũng luôn rất nhiều loại đồ chấm khác nhau. Đồ ăn nào, nước chấm ấy, điều này không có gì phải bàn cãi. Ăn bê thui Cầu Mống không thể không chấm với mắm cá cơm, thứ nước chấm làm nên linh hồn của món đặc sản này. Nước chấm bê thui dứt khoát phải là mắm làm từ cá cơm, cá nục được đánh bắt ở ven biển Cù Lao Chàm và các tỉnh miền Trung. Mắm sau khi ủ sẽ được ép lọc lấy nước đầu tiên. Mắm sẽ được trộn với các gia vị như tỏi, ớt, gừng, mè rang, đường và chút chanh.

bê thui

Cách ăn bê thui Cầu Mống đúng điệu là bánh tráng Đại Lộc được nhúng, vẩy qua nước cho mềm hơn, thêm một gắp rau sống đủ loại, miếng xoài, dưa chuột, chuối chát, miếng thịt bê dày vừa ăn (vắt chút chanh hay rắc chút thính lên thịt bê tùy người ăn thích hay không), cuốn tất cả lại và chấm vào bát mắm thơm lừng. Cắn miếng cuốn to, cắn thêm tép tỏi sống, miếng ớt xanh thơm thơm, cay cay, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của thịt bê, tươi mát của rau, đậm đà của nước chấm, cay của tỏi ớt. Thêm một ngụm bia Larue, cái nóng của miền Trung tiêu tan và có thể gói gọn lại là bạn đang được thưởng thức một sự kết hợp không thể hoàn hảo hơn.

Cái hương vị ấy, dĩ nhiên Hà Nội hay TP.HCM chẳng thể có được. Đến Đà Nẵng, Quảng Nam, ăn miếng bê thui nức tiếng, ấy là mới là cái thú, cái tuyệt vời của sự trải nghiệm và phải như thế bạn cũng mới có thể tận hưởng được hết các hương vị ban sơ của món ăn. Tại sao ăn bê thui Cầu Mống ở những địa phương khác không ngon? Giờ thì chắc là bạn đã có lời giải cho riêng mình.

 
Đức Bình
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng