Đái tháo đường type 2 - Phát hiện thì đã muộn?!

Ảnh minh họa


Ăn nhiều, uống nhiều cũng là bệnh

 

Đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Trong giai đoạn đầu thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và gây khát nước. Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư…

Khoa học phân ra 2 loại đái tháo đường là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Có khoảng 5 – 10% tổng số bệnh nhân đái tháo đường thuộc loại 1 và phần lớn xảy ra ở trẻ em, người trẻ tuổi (< 20 tuổi). Các triệu chứng thường khởi phát từ đột ngột và tiến triển nhanh nếu không được điều trị. Giai đoạn toàn phát có tình trạng thiếu insulin tuyệt đối gây tăng đường huyết và nhiễm Ceton. Những người bị đái tháo đường type 1 thường có những triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều, mờ mắt, dị cảm và sụt cân, trẻ em thường chậm phát triển và dễ bị nhiễm trùng. Theo bác sỹ CKII Đỗ Thị Ngọc Điệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, kiêm Phó ban chỉ đạo chương trình Phòng chống Đái tháo đường TP.HCM): “Bệnh đái tháo đường type 1 hay gặp ở trẻ nhỏ, thể trạng gầy gò. Và việc điều trị phải dùng insulin tiêm hàng ngày cùng với chế độ dinh dưỡng tốt để giúp bệnh nhi ổn định đường huyết và vẫn tăng trưởng tốt”.

Còn với bệnh đái tháo đường type 2, người bệnh chiếm khoảng 90 – 95% trong tổng số bệnh nhân đái tháo đường, thường gặp ở lứa tuổi trên 40. Nhưng gần đây tỷ lệ người bị đái tháo đường type lứa tuổi 30 ngày càng tăng, thậm chí cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh nhân thường ít có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng như nhồi máu có tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài; bệnh nhân nữ hay bị ngứa vùng kín do nhiễm nấm âm hộ; bệnh nhân nam bị liệt dương… Vì vậy bệnh thường được chẩn đoán muộn.

"Khi bệnh đái tháo đường đã chuyển qua giai đoạn biến chứng tim thì bệnh nhân cần phải giảm ăn mặn. Lưu ý các loại thực phẩm chứa nhiều muối như nước mắm, nước tương, nước sốt các loại, tương ớt, tương cà, đồ hộp, giò chả, xúc xích, các loại cá khô, mì gói…”, bác sỹ Điệp cho biết thêm.

Ngoài ra còn có bệnh đái tháo đường do thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 3 – 5% số thai nghén và được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ. “Với những người bị đái tháo đường do thai nghén cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn chế độ dinh dưỡng và điều trị hợp lý nhất để mẹ khỏe, con khỏe”, bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Điệp cho biết.

Phòng bệnh từ chế độ dinh dưỡng

Để bệnh đái tháo đường không tiến triển nặng thì ngoài việc dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ bệnh nhân cần kiểm soát lượng đường huyết thông qua chế độ ăn uống, vận động. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, uống nhiều nước lọc, kiêng đồ ăn nhiều ngọt, nhiều muối… Ngoài ra, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường, trên thị trường còn có các loại sữa dành cho người đái tháo đường, thực chất là một thực phẩm dinh dưỡng trong thành phần có sữa, chất béo, đường hấp thu chậm, một số vi chất... Sử dụng sản phẩm này vẫn làm tăng đường máu sau ăn nhưng không cao như các loại sữa thông thường. Người bệnh có thể sử dụng sản phẩm này thay cho một bữa ăn phụ hoặc một bữa ăn chính, cần tránh nhầm lẫn đây là một loại sản phẩm để chữa bệnh. Nếu người bệnh hàng ngày đã có một chế độ ăn phù hợp dựa trên các thực phẩm tự nhiên thì không nhất thiết phải uống thêm các loại sữa này. Nên vận động thể lực hằng ngày. Có thể chia nhỏ các hoạt động thể lực như đi lại, làm việc nhà, tưới cây... mỗi lần 10 phút để giảm bớt gánh nặng cho tim.

Bác sỹ CKII Đỗ Thị Ngọc Điệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, kiêm Phó ban chỉ đạo chương trình Phòng chống Đái tháo đường TP.HCM)

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết