Đấu thầu thuốc theo quy định mới: Giảm phiền hà, tăng minh bạch

Cải cách nhiều khâu

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng cục Quản lý Dược, trước đây, mỗi kỳ đấu thầu, các nhà thầu khi dự thầu đều phải photocopy các giấy chứng nhận, giấy phép lưu hành… của các sản phẩm thuốc dự thầu, các chi phí này trùng lặp ở các gói thầu khác nhau dẫn tới doanh nghiệp tốn kém hàng chục triệu đồng ở mỗi kỳ đấu thầu.

Với các quy định rõ ràng về thủ tục, hồ sơ, các tiêu chí xét thầu cộng với việc công bố các thông tin liên quan tới việc đấu thầu mua thuốc như: danh mục thuốc được cấp số đăng ký, danh mục các nhà máy sản xuất thuốc, danh mục các cơ sở, các thuốc vi phạm chất lượng thuốc… đã giảm thiểu tối đa các giấy tờ hành chính mà các nhà thầu phải nộp để chứng minh các thông tin liên quan cho các gói thầu.

Ảnh minh họa

Cách làm này đã tiết kiệm một lượng chi phí hành chính không nhỏ trong hoạt động đấu thầu mua thuốc của hệ thống y tế và đảm bảo việc thực hiện thống nhất trong công tác đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc tổ chức công tác đấu thầu thuốc.

Ngoài ra, theo quy định cũ về đầu thầu thuốc, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí phân nhóm tiêu chuẩn chất lượng thuốc để đánh giá nhà thầu và sản phẩm dự thầu chưa được quy định rõ ràng nên do các cơ sở y tế tự xây dựng, do đó việc thực hiện và kết quả đấu thầu không thống nhất và có nhiều bất cập.

Đây là tồn tại lớn nhất đã được khắc phục tại Thông tư liên tịch 01, theo đó đã có quy định rõ ràng về tiêu chí phân nhóm thuốc căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất (tiêu chuẩn GMP) và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Đồng thời Thông tư số 11 của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ mời thầu mua thuốc để các cơ sở y tế áp dụng thống nhất với các tiêu chí xét thầu, chấm điểm rõ ràng, công khai, minh bạch qua đó đảm bảo sự cạnh tranh công bằng của các nhà thầu để lựa chọn ra sản phẩm với chất lượng đảm bảo và chi phí hợp lý nhất.

Triển khai đồng bộ, tiết kiệm ngân sách mua thuốc


Bộ Y tế cho biết qua báo cáo nhanh của một số Sở Y tế về trị giá trúng thầu theo quy định mới so với kế hoạch tương tự theo giá trúng thầu của năm trước thì kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm/tiết kiệm được khoảng 28 tỉ (~24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ (~20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm/tiết kiệm được khoảng 32 tỉ (~25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ (~ 31%).

Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đó thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế, kết quả cho thấy so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giỏ thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 Sở Y tế.

Như vậy, với việc sửa đổi và ban hành các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, công tác đấu thầu đã được chấn chỉnh một cách cơ bản và đồng bộ trong việc tổ chức và triển khai thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở y tế và các doanh nghiệp.

“Triển khai thực hiện tốt các quy định này sẽ đảm bảo công tác đấu thầu mua thuốc tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Luật đấu thầu và gúp phần vào việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm y tế”, ông Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý