Để thành công trong "điệp vụ giải cứu" tóc rụng

Ảnh minh họa: internet

Nguyên nhân

BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên cho biết, bệnh rụng tóc khởi phát từ một yếu tố ban đầu (ví dụ như sau sinh, sau đợt bệnh nặng, sau biến cố lớn về cảm xúc, mất ngủ…), nên việc điều trị rụng tóc rất khó có kết quả nhanh.

Rụng tóc có thể chia làm hai dạng: rụng tóc từng vùng và rụng tóc lan tỏa.

-Rụng tóc từng vùng là có vùng tóc rụng và thưa, có vùng tóc bình thường.

Nếu vùng rụng tóc còn nang tóc thì nguyên nhân thường do tì đè lâu ngày, nấm tóc, tật nhổ tóc... Nếu được xử lý nguyên nhân bệnh tận gốc, tóc sẽ mọc lại. Nếu mất hết nang tóc (da đầu có sẹo) thường là do bệnh lý nặng ở da đầu (viêm nang long, lichen phẳng, lupus đỏ…) thì không thể hồi phục do nang tóc đã bị phá hủy.

-Rụng tóc lan tỏa, thường thì nang tóc vẫn còn, điển hình là bệnh hói đầu ở nam và nữ (rụng tóc do androgen), bệnh lý toàn thân (bệnh tuyến giáp, thiếu sắt, suy dinh dưỡng…). Với những nguyên nhân thiếu sắt, suy dinh dưỡng nếu điều trị dứt điểm thì tóc hồi sinh tốt. Còn nguyên nhân còn lại (nội tiết, bệnh lý nặng toàn thân) sẽ khó điều trị.

Điều trị

Việc can thiệp điều trị rụng tóc cần đảm bảo những vấn đề sau: nền tảng sức khỏe tốt, da đầu và nang tóc khỏe mạnh. Đầu tiên, cần phải có một cuộc “cách mạng” về lối sống: giảm stress, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ. Điều trị theo nguyên nhân: nếu có bệnh lý, cần dùng thuốc điều trị chuyên biệt. Nếu đã làm tốt hai việc trên, chúng ta cần cung cấp dưỡng chất tại chỗ và toàn thân để hỗ trợ và thúc đẩy mọc tóc. Hiện có nhiều công nghệ hướng đến mục tiêu là cung cấp “nguyên liệu” để kích thích mọc tóc. Cụ thể:

PRP: Huyết tương tươi giàu tiểu cầu. Được xem là phương pháp hỗ trợ điều trị rụng tóc hiệu quả, được thực hiện ở những cơ sở có bác sĩ chuyên khoa và máy móc tốt. Cách thực hiện là lấy khoảng 10-20ml máu của người có nhu cầu làm đẹp, sau đó qua một quy trình lọc thì được tiêm vào da đầu. Kết quả sẽ tùy thuộc vào cơ địa và mức độ rụng tóc. Kết quả có thể thấy được sau khoảng 3 liệu trình với khoảng cách 1 tháng 1 lần.

Cấy tóc: Một vùng tóc “cho” với những nang tóc khỏe (thường sẽ ở vùng sau đầu) sẽ được lấy đi, ghép vào vùng da “nhận” (là vùng đã mất tóc). Phương pháp này được gây tê tại chỗ và khoảng 3 tuần sau nơi cấy tóc sẽ có sự tăng sinh tóc tốt. Tuy nhiên, nếu vùng rụng tóc quá rộng thì không thể cấy toàn bộ vì vùng “cho” sẽ ít, hiệu quả thẩm mĩ khó đạt được.

Mesotherapy: Các bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên dùng đưa dung dịch thuốc hay dưỡng chất điều trị vào da bằng một loại kim cực nhỏ.
Công nghệ sinh học tế bào gốc: Là phương pháp đưa tế bào gốc hoặc các chế phẩm tăng trưởng được chiết xuất từ tế bào gốc vào cơ thể để thúc đẩy quá trình mọc tóc. Các chế phẩm này có thể dùng đường uống, tiêm, thoa tại chỗ. Tuy nhiên, công nghệ này có giá thành cao và hiệu quả tùy thuộc từng cơ địa và phải chờ khoảng sau ba tháng mới thấy sự cải thiện đáng kể.

Trong quá trình điều trị rụng tóc gần như không có bất cứ sự kiêng khem nào. Tuy nhiên, bạn cần phải tuân thủ một số điều kiện như:

-Giảm stress: ngủ đủ giấc, kiểm soát lo lắng.

-Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý đề phòng nguy cơ thiếu sắt, đạm, kẽm.

-Gội đầu đúng cách: chọn dầu gội đầu thích hợp, gội đầu cách 1-2 ngày, gội nhẹ nhàng không cào gãi mạnh, sau gội đầu nên đợi tóc khô mới chải tóc (chải lúc tóc ướt sẽ rụng nhiều), hạn chế sử dụng máy sấy tóc, hạn chế tối đa việc dùng các hóa chất duỗi, nhuộm, tạo kiểu (gây khô, chẻ ngọn tóc, viêm da đầu, tổn thương nang tóc), không buộc tóc quá chặt.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp