Gia đình tôi vừa mới có một chuyến du lịch Sapa trong dịp Tết vừa rồi. Chuyến đi đã để lại cho tôi và các con nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên, thành công lớn nhất mà tôi “gặt hái” được trong chuyến đi này lại là một cuốn sách.
Tôi còn nhớ lúc đó là 9 rưỡi tối. Cả gia đình đang trên chuyến tàu đêm lên Sapa. Vì là lần đầu được đi tàu nên Cua, con trai 3 tuổi của tôi vô cùng háo hức. Cua dường như chẳng bao giờ đói vào buổi tối và ngay trước khi lên tàu thì chỉ đòi mẹ cho ăn bim bim. Sợ con đói nên dù đang trên tàu và đã muộn nhưng tôi vẫn cố bắt con ăn bát cháo mua vội để có sức. Cho một đứa trẻ 3 tuổi ăn đã khó, ăn trên tàu dường như còn khó khăn gấp bội. Có quá nhiều thứ để làm Cua xao nhãng. Tôi phải đưa con đi ăn rong khắp các toa tàu cho đến khi gặp được một đôi vợ chồng người Pháp…
Các bà mẹ Pháp cho con ăn cực kỳ nhẹ nhàng (Ảnh minh họa).
Donna, người bạn Pháp tôi mới quen được trên tàu trong lúc cho con đi ăn rong đã nhìn tôi với ánh mắt vô cùng ngạc nhiên. “Ở Pháp, chúng tôi không cho con vừa chạy vừa ăn như các bạn. Không tốt cho trẻ”, Donna nói. Quả thật, tôi đã quá chán nản với những người chê bai cách tôi cho con ăn rong, hay nói với tôi rằng “Tây” nó nuôi dạy con tốt hơn mình nhiều. Theo tôi, mỗi nhà mỗi cảnh, tôi cũng là phải nương theo con chứ nào ai muốn “ăn rong”. Tôi cười xòa cho qua với Donna. Vậy nhưng người bạn Pháp này thì dứt khoát không “cho tôi qua”. Cô bạn mới dúi vào tay tôi một quyển sách, có lẽ cũng đã đọc rồi, và bảo tặng lại tôi.
Cuốn sách của người bạn Pháp tình cờ quen được trên chuyến tàu Sapa ấy đã thay đổi tôi và thay đổi cả những bữa ăn của con trai tôi. Và bây giờ, tôi muốn chia sẻ lại với mọi người về những gì mình đã đọc được.
Tác giả cuốn sách, Karen Le Billon là một người mẹ Canada, kể lại những trải nghiệm của mình khi gia đình Karen chuyển từ Canada đến Pháp – quê chồng, trong vòng một năm. Điều mà Karen không thể ngờ tới, đó là chính bản thân cô và hai con gái cực kỳ biếng ăn của mình đã hoàn toàn thay đổi.
Bằng giọng văn hài hước, Karen chia sẻ 10 điều thú vị cô nhận thấy trong cách mẹ Pháp nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc trong việc ăn uống. Và đây là 6 điều tôi thấy tâm đắc nhất với bản thân mình:
Cha mẹ sắp xếp bữa ăn, người lớn ăn gì trẻ con ăn nấy
Khi con gái Karen đến trường học của Pháp, thực đơn khiến cô bé vô cùng ngạc nhiên: Củ cải sống, cá tuyết Alaska, pho mát xanh…Khẩu vị của trẻ em được tiếp túc với các gia vị cay, nồng và khó ăn nhất. Karen cũng nói về chuyện đã từng nhìn thấy một em bé mới 9 tháng tuổi vui vẻ ăn pho mát.Cha mẹ sắp xếp bữa ăn, người lớn ăn gì trẻ con ăn nấy.
Thực đơn một bữa ăn trưa ở trường học Pháp dành cho trẻ em: Salat củ cải đỏ, ngô kèm sốt dấm và quả oliu, pho mát Saint Paulin, lườn gà nướng, nước lọc vàbánh flan. (ảnh minh họa)
Cả gia đình ăn cùng với nhau và biến nó thành một sự kiện đặc biệt
Karen giải thích rằng trẻ con rất để ý tới giờ cơm và coi nó không khác gì giờ đi dự tiệc. “Người Pháp không và chưa bao giờ ăn mà không có khăn trải bàn trên mặt bàn”, Karen cho biết. “Họ thậm chí còn có một từ rất hay để nói về việc dọn bàn ăn “dresser la table”. Điều này tạo nên một hiệu ứng tuyệt vời với những đứa trẻ. Nến, đĩa đẹp và yếm ăn vải dễ thương….tất cả đều tăng thái độ tốt trong bữa ăn của trẻ con Pháp. Hãy thử và mẹ sẽ cảm nhận thấy sự khác biệt.
Thức ăn không phải phần thưởng, hình phạt hay để đổi chác
Quy tắc thứ 3 này dường như viết ra để dành riêng cho tôi. Như Cua sẽ được ra sân chơi đu quay nếu ăn xong bát cơm, khi để con ngồi yên nhà hàng, tôi đưa con gói bim bim. Hay đơn giản như để kéo con đi về khỏi siêu thị, tôi dụ “Về nhà rồi mẹ cho ăn kem ở nhà”. Thức ăn đã được tôi lấy ra làm phần thưởng, hình phạt và cả để đổi chác. Làm như vậy, theo Karen, sẽ khiến trẻ nảy sinh việc ăn uống thất thường theo cảm xúc sau này và trở nên coi thường thức ăn.
Con không cần phải thích ăn, nhưng con phải nếm nó
Bữa ăn không nên là một cuộc chiến. Người Pháp không bao giờ thúc giục và quát nạt con khi ăn. “Nếu đứa trẻ không thích ăn, bố mẹ sẽ thường mang ngay cái đĩa đi mà chẳng cần phải nói nhiều”. Người Pháp luôn giữ thái độ thoải mái và tích cực trong bữa ăn. Có như vậy bọn trẻ mới muốn ngồi ăn. Nếu trẻ không muốn ăn, không sao cả. Vậy nhưng ít nhất chúng phải nếm nó một lần. Theo như các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết trẻ em đều phải nếm thức ăn từ 7-15 lần mới bắt đầu thực sự thích ăn.
Tôi đã thực sự rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình với quy tắc này. Gia đình tôi thường ăn cơm tối lúc 7 giờ. Vậy nhưng cứ tầm 6 giờ là Cua lại níu tay mẹ rồi kêu đói ầm ĩ. Tôi cũng lo con bị đói trước khi đến giờ cơm, vì vậy tôi cho con ăn vụng trước một hai miếng hoặc ăn tạm bánh mì, đồ ăn vặt trong tủ lạnh. Đến bữa ăn của cả nhà thì Cua kêu ngang bụng, không muốn ăn nữa. Theo người Pháp, “Đói là rất tốt”. Trẻ sẽ ăn nhiều hơn khi đói, thức ăn khi đói ăn cũng ngon hơn. Chính vì vậy, để con đói một chúng cũng không sao. Trẻ thậm chí còn học được cách tự giải quyết cơn đói bất chợt của mình, tránh cảnh ăn uống thất thường khi lớn lên.
Ăn càng chậm thì càng hạnh phúc
Theo thống kê của chính phủ, mỗi bữa ăn trưa ở trường của trẻ con Pháp kéo dài ít nhất 30 phút. Bữa ăn không đơn giản chỉ là ăn uống, đó còn là thời gian nói chuyện với bạn bè. Cách tôi hay nhiều mẹ Việt cho con đi ăn rong, lượn lờ khắp chốn tưởng như khiến trẻ vui vẻ nhưng thực ra đấy không phải là ý hay. Dạy con cách biết ngồi kiên nhẫn tại bàn ăn và trò chuyện cùng gia đình mới là kỹ năng sống quan trọng trẻ cần biết. Và điều đó, mới là điều khiến trẻ hạnh phúc.
Bình luận của bạn