Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 5/1
Hà Nội F0 tăng cao, tập trung hỗ trợ điều trị F0 tại nhà
Đưa chi phí test nhanh vào giá vé máy bay
COVID-19 gây triệu chứng lạ, để lại di chứng nặng
Phân bổ hơn 1,76 triệu liều vaccine AstraZeneca, Quảng Ninh kiểm soát chặt người nhập cảnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 3/1 đến 17h30 ngày 4/1, cả nước ghi nhận 224 ca tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 223 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Bộ Y tế cũng cho biết sau gần 5 tháng triển khai chương trình điều trị có kiểm soát bằng Molnupiravir, đến nay đã có 51 tỉnh/thành phố triển khai chương trình này, trên 300.000 liều thuốc đã được phân bổ. Dự kiến hôm nay (5/1), Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp nhằm xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước.
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 4/1 về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam từ ngày 1-3/1/2022, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng thống nhất xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR với hành khách trước chuyến bay quốc tế theo thông lệ chung, thay vì test nhanh.
Ngày 4/1, Hà Nội ghi nhận 2.499 F0 mới (theo số liệu của Bộ Y tế), đánh dấu 3 ngày liên tiếp có trên 2.000 ca bệnh. Đây là mức F0 được ghi nhận sau 24 giờ cao nhất của thành phố từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nay thành phố đang điều trị cho tổng cộng hơn 33.000 ca COVID-19. Trong đó, 23.669 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Trong khi đó, số ca nhiễm ghi nhận tại TP.HCM trong thời gian gần đây có chiều hướng giảm. Ngày 4/1, TP.HCM có 664 ca F0 mới, chỉ bằng khoảng 1/4 so với ca nhiễm ở Hà Nội. TP. Hải Phòng cũng đã thống nhất thời điểm báo cáo số liệu với Bộ Y tế, do đó, số ca nhiễm hôm nay của thành phố này giảm sâu, còn 602 ca (giảm 1.147 so với ngày 3/1).
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác kiểm soát dịch COVID-19 và các biến thể mới. Theo đó, Phú Thọ yêu cầu tất cả các trường hợp đến/trở về từ ngoại tỉnh có lưu trú phải khai báo y tế với chính quyền cơ sở hoặc Trạm Y tế xã/phường/thị trấn để được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch.
Các tỉnh phía Nam đang gấp rút tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất, để đạt miễn dịch cộng đồng, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương rà soát, lập kế hoạch và tổ chức đội tiêm lưu động đến tận hộ gia đình để tiêm cho các đối tượng không đến điểm tiêm được như người già, người khuyết tật…
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thành lập các tổ tiêm vaccine "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là những người không di chuyển được.
Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống bệnh nhi 13 tuổi vừa sốt xuất huyết, vừa loét tá tràng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm với đi tiêu có máu đỏ tươi, người lừ đừ, tiếp xúc chậm, môi tái. Các bác sỹ chẩn đoán em bị sốc mất máu, xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng. Nhận thấy khả năng chảy máu đường tiêu hoá tiếp diễn, em nhanh chóng được chống sốc, truyền máu, tiểu cầu, ổn định đông cầm máu và đưa ngay lên bàn mổ nội soi cấp cứu. Khi nội soi, các bác sỹ phát hiện mặt sau tá tràng có ổ loét kích thước 2x3cm và tiến hành khâu cầm máu ổ loét. Sau đó, tình trạng tiêu phân máu đã được giải quyết. Bệnh nhi đang tiếp tục được điều trị tại khoa hồi sức ngoại.
Bình luận của bạn