Điều diệu kỳ mang tên tế bào gốc

Điều diệu kỳ mang tên tế bào gốc 1
Công nghệ phân lập, nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc sinh tinh sẽ giúp nhiều nam giới vô sinh có thêm cơ hội được làm bố. Ảnh minh họa
Vụ “đặt cược” nhớ đời!

Vào năm 1992, một đội chuyên gia thuộc Trung tâm Truyền máu -Huyết học (tiền thân của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM hiện nay) may mắn được hãng dược Sanofi của Pháp tổ chức chuyến tham quan “vòng quanh thế giới” để chứng kiến, học hỏi sự diệu kỳ của phương pháp chữa bệnh bằng ứng dụng tế bào gốc. Sở dĩ có chuyến đi này là bởi trưởng đại diện Sanofi tại Việt Nam khi đó là một người Pháp gốc Việt, ông mong muốn nền y học Việt Nam sớm được tiếp cận với y học tân tiến. Người mà vị trưởng đại diện Sanofi Việt Nam kỳ vọng chính là PGS Trần Văn Bé.

“Chúng tôi được đi Pháp, Mỹ, Anh, Đức và nhiều nước khác có thế mạnh về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng lĩnh vực tế bào gốc trong điều trị bệnh. Trong hoàn cảnh “tay trắng” cả về thiết bị lẫn nghiệp vụ chuyên môn, khi được chứng kiến tận mắt kỹ thuật ứng dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh liên quan đến máu (thời bấy giờ còn gọi là ghép tủy- PV), chúng tôi thực sự choáng ngợp. Trình độ, thiết bị, cơ sở hạ tầng y tế của những quốc gia tân tiến này, còn lâu chúng ta mới dám mơ đến. Ấy vậy mà trong cuộc trò với chúng tôi, trưởng đại diện Sanofi tại Việt Nam và người đại diện y tế của Pháp đã “đặt cược” vui 10.000USD với nội dung: Nếu trong vòng 10 năm mà Việt Nam thực hiện được ca ghép tủy điều trị bệnh về máu thì trưởng đại diện Sanofi tại Việt Nam sẽ thắng và ngược lại! Nghe hai người cược với nhau, tôi thầm lo cho vị trưởng đại diện Sanofi tại Việt Nam...”, PGS Trần Văn Bé cười khi nhớ lại sự việc cách đây hơn 20 năm.

PGS Trần Văn Bé hồi tưởng lại ký ức khó phai: “Khi đến HongKong, chúng tôi thấy từ hạ tầng đến trang thiết bị, kỹ thuật... họ ứng dụng cũng không phải quá tầm với như các nước Pháp, Mỹ. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, Đài Loan là “lò” đào tạo, giúp đỡ HongKong trong lĩnh vực này. Xác định được cơ hội, chúng tôi xúc tiến hợp tác ngay. Các chuyên gia Đài Loan đã đến Việt Nam tư vấn về thiết lập hạ tầng, thiết bị. Họ lại nhận đào tạo một đội gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, hỗ trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm mẫu…Với sự hỗ trợ của phía Đài Loan cùng sự ủng hộ hết lòng của Sở Y tế TP HCM, đến năm 1995 chúng tôi đã thực hiện thành công 3 ca ghép tủy để đưa tế bào gốc tạo máu vào cơ thể bệnh nhân. Tính ra là chưa đến 3 năm từ khi chúng tôi chứng kiến cuộc “đánh cược” ở Pháp”.
Công nghệ của Việt Nam đã theo kịp nhiều quốc gia

Thành công của 3 ca ghép tủy này đã mở ra cánh cửa phát triển không ngừng của lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. Hiện đơn vị này đã hoàn toàn làm chủ và xử lý thành công các bệnh về máu như bạch cầu cấp, bạch cầu mãn, suy tủy, limfoma, đa u tủy...

“Nguyên lý cơ bản là ta lọc tế bào gốc tạo máu bệnh rồi đưa tế bào gốc tạo máu sạch vào cơ thể bệnh nhân. Tế bào gốc tạo máu được lấy từ 3 nguồn gồm tủy xương, máu ngoại vi và máu cuống rốn. Thời điểm những năm 1995, do thiếu thiết bị nên chúng ta chưa tách tế bào gốc tạo máu được nên phải ghép cả tủy. Hiện nay, máy móc hiện đại có thể lấy bất kỳ thành phần nào trong máu (kể cả tế bào gốc tạo máu lẫn tế bào gốc trung mô, dùng để nuôi cấy thành tế bào các bộ phận khác trong cơ thể như tim, mắt, da… - PV) và chúng tôi đã có đủ thiết bị ấy...”, PGS Trần Văn Bé chia sẻ. Liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc tạo máu, PGS Trần Văn Bé khẳng định: Đến thời điểm này, so với những nước trong khu vực thì Việt Nam cũng đã “sánh vai và bằng chị bằng em”.

Hơn 20 năm qua, các chuyên gia Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM đã thực hiện thành công 138 ca điều trị các bệnh về máu nhờ ứng dụng tế bào gốc tạo máu. Lý giải số lượng ca bệnh có vẻ “khiêm tốn” so với khoảng thời gian khá dài, PGS Trần Văn Bé không giấu được thoáng buồn: “Con số khiêm tốn nhưng điều này hoàn toàn không liên quan đến kỹ thuật hay trình độ chuyên môn của các chuyên gia mà lý do chính là vì chi phí. Trung bình một ca điều trị bệnh về máu có ứng dụng tế bào gốc tạo máu phải mất khoảng 30.000USD, tức gần 700 triệu tiền Việt. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện lo được?! Liên quan đến điều trị bệnh diện kỹ thuật cao này, bảo hiểm y tế của ta chưa vươn tới nổi…”.
Liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc, tại TPHCM, ngoài Bệnh viện Truyền máu - Huyết học còn hai đơn vị đang đầu tư phát triển mạnh, đó là Khoa Mô-Phôi thuộc ĐH Y khoa Phạm Ngọc và Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM.

Khoa Mô-Phôi (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã thành công trong việc nuôi cấy tế bào gốc trung mô thành tế bào mắt, tế bào xương. Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang đầu tư mạnh mẽ hạ tầng cơ sở phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực tế bào gốc.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất