Cần biết: Những biến chứng từ quá trình điều trị ung thư buồng trứng

Vô sinh là một trong những biến chứng điển hình sau điều trị ung thư buồng trứng

Biến chứng từ phẫu thuật

Phẫu thuật được coi là lựa chọn điều trị chính cho hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Bác sỹ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật nào phù hợp với bạn dựa trên giai đoạn ung thư và sức khỏe tổng thể. Phẫu thuật ung thư buồng trứng có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như:

Nhiễm trùng: Bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn sau phẫu thuật. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho, run rẩy hoặc sưng hoặc đỏ xung quanh vết mổ.

Chảy máu âm đạo: Sau khi phẫu thuật, bạn có thể bị chảy máu âm đạo, thường là trong vài ngày đến vài tuần.

Cục máu đông: Bạn có thể có nguy cơ phát triển cục máu đông ở xương chậu hoặc chân. Để giúp ngăn chặn điều này, bạn hãy cố gắng đứng dậy và đi bộ xung quanh càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể sẽ kê thuốc chống đông máu cho bạn, thuốc uống hoặc thuốc tiêm tùy sức khỏe và tình trạng sau phẫu thuật.

Chảy máu trong bụng hoặc xương chậu: Ngoài việc mất máu trong quá trình phẫu thuật, bạn có thể đối mặt với nguy cơ bị chảy máu trong.

Sưng chân: Nếu bác sỹ phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết của bạn, bạn có thể gặp phải tình trạng tích nước ở chân, gây sưng chân.

Các vấn đề về bàng quang hoặc ruột: Khi phẫu thuật được thực hiện trên khung chậu hoặc vùng bụng, bạn sẽ có nguy cơ bị tổn thương bàng quang hoặc ruột.

Túi hậu môn giả hoặc ống thông: Trong một cuộc phẫu thuật cắt bỏ ung thư buồng trứng, bác sỹ có thể loại bỏ một phần của đại tràng hoặc bàng quang. Vì thế, bạn có thể cần phải đeo túi hậu môn giả để lấy phân hoặc ống thông để loại bỏ nước tiểu.

Vô sinh: Nếu phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng, bạn sẽ không thể mang thai

Mãn kinh sớm: Việc cắt bỏ buồng trứng trong quá trình phẫu thuật sẽ dẫn đến mãn kinh sớm độ tuổi.

Biến chứng từ xạ trị

Xạ trị cũng có thể gây vô sinh nếu điều trị bức xạ tại khu vực xương chậu

Xạ trị thường ít được sử dụng cho ung thư buồng trứng, nó chỉ được dùng để giúp điều trị các khu vực ung thư đã lan rộng. Tác dụng phụ thường là tạm thời và cải thiện sau khi ngừng điều trị. Chúng có thể bao gồm khô da, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Bức xạ hướng vào vùng xương chậu có thể dẫn đến vô sinh.

Biến chứng từ hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư buồng trứng. Các tác dụng phụ điển hình bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, rụng tóc , lở miệng, phát ban và mệt mỏi. Bên cạnh đó, hóa chất cũng có thể dẫn đến các biến chứng như:

Thiếu máu: Tình trạng này được đặc trưng bởi số lượng hồng cầu thấp và có thể gây mệt mỏi.

Giảm bạch cầu:  Là tình trạng số lượng bạch cầu thấp. Biến chứng này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của bạn.

Giảm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu thấp có thể khiến bạn dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

Tổn thương thận, mất thính lực và các bệnh lý thần kinh: Thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến thận của bạn, chúng có thể làm tổn thương dây thần kinh đến tai, ảnh hưởng đến thính giác, gây tê, ngứa ran hoặc đau ở tay và chân. Ngoài ra, một số thuốc còn có thể gây kích ứng và chảy máu trong niêm mạc bàng quang.

Mãn kinh sớm: Giống với phẫu thuật, điều trị ung thư buồng trứng bằng hóa trị cũng sẽ khiến phụ nữ mãn kinh sớm.

Vô sinh: Một số phụ nữ không thể mang thai sau khi điều trị hóa trị.

Tổn thương tủy xương: Biến chứng này rất hiếm gặp, nhưng nó có thể dẫn đến ung thư tủy xương, hội chứng rối loạn sinh tủy hoặc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Biến chứng từ liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy)

Liệu pháp này có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, thay đổi vị giác, nhầm lẫn hoặc đau cơ, khớp hoặc bụng. Biến chứng của liệu pháp nhắm trúng đích có thể là thiếu máu, các vấn đề về tim và gan. Bên cạnh đó, một số biến chứng hiếm gặp có thể kể đến như ung thư máu, hội chứng rối loạn sinh tủy hoặc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy) là liệu pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan tràn của bệnh ung thư, thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tiến triển và di căn, không thể phẫu thuật.
Nguyễn Kiên H+ (Theo Everyday Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư